(Bài viết của Ban Biên tập Website Nhiếp ảnh của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu bài viết về tiểu sử, tác phẩm và sự nghiệp của Danh nhân Văn hóa Hoàng Trung ĐẶNG HUY TRỨ do Ban Biên soạn tài liệu Hội thảo Khoa học “Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) – Người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam” tại Tp. Huế )

Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ

Đặng Huy Trứ được sinh ra trong một gia đình nông thôn có truyền thống nho học. Ông nội và cha đều làm nghề dạy học, đã mở lớp dạy học ở quê nhà và đã đào tạo được những người thành danh: ông nội là Đặng Quang Tuấn  một nhà nho nổi tiếng trong vùng, suốt đời làm nghề dạy học là một trong những vị thầy dạy học của Phạm Văn Trị con trưởng Thái úy Tây Sơn Phạm Văn Hưng và chính mình đã đào tạo cho 3 người con trai thành đạt, đó là con trai trưởng của ông là Đặng Văn Hòa làm quan đại thần Cơ Mật viện. Trong số học trò còn có Trần Văn Trung người lảng Thanh Lương sau làm thượng thư. Cụ Đặng Văn Trọng thân phụ Đặng Huy Trứ đã đào tạo nên con trai là Đặng Huy Trứ, con trai thứ là Đặng Huy Xán đậu phó bảng. Trong số học trò còn có Nguyễn Đình Tuân người làng Phước Yên đỗ tiến sĩ sau làm em rễ Đặng Huy Trứ.

Quê tổ Đặng Huy Trứ thuộc làng Hiền Sĩ, đến đời thứ tư về nhập tịch làng Bát Vọng, sang cư ngụ tại làng Thanh Lương, nay thuộc thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế. Đặng Huy Trứ được sinh ra và lớn lên tại làng này.

Vốn bản tính thông minh, lại được sự giáo dục chu đáo từ gia đình, nhất là trong việc học tập, từ năm 15 tuổi Đặng Huy Trứ đã biết làm thơ. Năm Quý mão (1843) Đặng Huy Trứ theo cha đến trường thi Phú Xuân để thi và trúng tuyển Cử nhân ngay trong kỳ thi này. Khoa thi Hội mùa xuân Đinh mùi (1847) Đặng Huy Trứ đi thi đã được trúng cách đỗ tiến sĩ, được xếp thứ 7. Vào thi Đình, bài văn Đặng Huy Trứ bị phạm húy liền bị truất cả Tiến sĩ lẫn Cử nhân khóa trước đây. Ngay trong mùa thu năm ấy, triều đình mở ân khoa thi Hương nhân dịp mừng thọ vua Thiệu Trị 40 tuổi, Đặng Huy Trứ đi thi lại và đã đỗ đầu kỳ thi Hương gọi là Giải nguyên.

Trong lúc chờ triều đình bổ nhiệm ra làm quan, Đặng Huy Trứ làm nghề dạy học trong gần 10 năm. Ông mở trường nhiều nơi ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam.

Tháng 8 năm 1856, tàu chiến Catinat của Pháp đến bắn phá đồn lũy của ta tại Sơn Trà – Đà Nẳng. Tháng 10 năm ấy Đặng Huy Trứ được cử đi kiểm tra tầu thuyền, viết bài thơ “Đi quân đi thứ Đà Nẵng ghi lại”. Đặng Huy Trứ bắt đầu tham gia quan trường từ đây.

Năm 1857  làm Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, 1858 Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), 1861 làm tri phủ Xuân Trường. Năm 1862 trở về kinh giữ chức Hàn lâm viện trước tác, 1863 Ngự sử lĩnh chưởng ấn khoa binh. Năm 1864 tỉnh Quảng Nam bị hạn hán nặng, dân tình bị đói khổ, nhân sĩ Quảng Nam dâng sớ xin triều đình cử Đặng Huy Trứ vào giữ chức Bố chính Quảng Nam để chống hạn và cứu đói cho dân. Năm 1865 Đặng Huy Trứ theo lệnh triều đình, cải trang thành người nhà Thanh sang Quảng Đông thăm dò tình hình Tây dương, tìm phương sách cứu nước. Trong thời gian ở nước ngoài, ông gặp gỡ và trao đổi ý kiến với nhiều nhà tri thức canh tân ở Trung Quốc. Ông tiếp xúc với việc chế tạo máy móc, đóng thuyền, đúc súng đạn, sưu tầm sách báo các nước, dịch ra và giới thiệu với giới trí thức trong nước. Ông gặp gỡ và động viên người Việt Nam được cử đi sang Hương Cảng học nghề đóng tàu thủy chạy bằng hơi nước. Ông ghi chép tỉ mỉ kỷ thuật máy hơi nước được mô tả trong cuốn sách “Bác vật tân biên” của người Anh và đem về nước. Cũng trong dịp này ông mua 239 khẩu “quá sơn pháo” (bắn qua núi) gửi về nước. Trở về nước năm 1866 Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ.  Vào dịp này, ông đã tâu xin và được giao cho thành lập Ty Bình Chuẩn ở Hà Nội để lo việc kinh doanh  gây dựng tài chính cho quốc gia, được triều đình chấp thuận. Đặng Huy Trứ giữ chức  Bình Chuẩn. Năm  1867, ông lại được cử sang Quảng Đông lần thứ 2. Trong thời gian ở Quảng Đông  lần thứ 2 (1867), ông  bị ốm nặng. Nằm trên giường bệnh ông vẫn đọc sách, viết sách, làm thơ. Trong thời gian này, ông đã suy nghĩ về vận mạng của Tổ quốc, về con đường “tự cường tự trị” đuổi theo các nước tiên tiến. Ông đã viết một bài văn nhan đề là “Trong khi ốm được Dã trì chủ nhân chỉ giáo”, trình bày tư tưởng canh tân và cứu nước. Ông cũng tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, nhờ người tìm mua dụng cụ nghề nhiếp ảnh. Sau khi về nước thì mở hiệu ảnh Cảm Hiếu đường tại phố Thanh Hà ở Hà Nội (1869). Đây là hiệu nhiếp ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Ngày nay ông được giới nhiếp ảnh Việt Nam tôn vinh là Ông tổ ngề ảnh Việt Nam.

Năm 1869, ông nhận chức Thương biện tỉnh vụ Hà Nội, rồi Khâm phái Thương biện quân vụ Sơn – Hưng – Tuyên. Năm 1871, ông được cử giữ chức Bang biện quân vụ Lạng – Bằng – Ninh – Thái (gồm các tỉnh: Lạng Sơn – Cao Bằng – Bắc Ninh – Thái Nguyên) và được phái lên biên giới phía bắc cùng với nhiều quan lại khác giúp Hoàng Kế Viêm đánh dẹp giặc phỉ ở biên giới phía Bắc. Năm 1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương chỉ huy quan quân chống cự, bị thương sau từ trần. Pháp đánh chiếm Hưng Yên, Bắn Ninh, Thái Nguyên. Ninh Bình… Đặng Huy Trứ cùng quan quân rút quân về căn cứ Đồn Vàng cùng với Hoàng Kế Viêm tiếp tục tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp lâu dài. Tại đây, Đặng Huy Trứ  lâm bệnh từ trần vào ngày 7/8/1874 (25-6 năm Giáp Tuất) ở xã Cao Lăng, Chợ Bến, Đồn Vàng.

Với cuộc đời chỉ vỏn vẹn 49 năm, nhưng với tài năng và nhiệt huyết, Đặng Huy Trứ đã để lại nhiều di sản cho đời mà theo đánh giá của nhà sử học Lê Văn Lan: “Sự nghiệp mà Đặng Huy Trứ để lại so với đám nhà nho đương thời, không chỉ là vượt bậc mà là vượt trội”.

– Về giáo dục:
Quan niệm giáo dục của Đặng Huy Trứ tiến bộ với các nhà nho đương thời, và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay: đó là quan niệm “sư đệ tương trưởng: ”Thầy và trò cùng học, cùng nhau trưởng thành, tiến bộ. Không chỉ học trò học mà thầy cũng phải học thêm vì bể học thì mênh mông, mà kiến thức con người thì có hạn. Trong “LỜI CÁO THỊ TRƯỜNG TƯ THỤC THANH LƯƠNG Ở QUẢNG NAM” năm 1849, Đặng Huy Trứ đã viết: “…Ta tài cao học kém, lạm dự khoa danh, lần đẩy mở hòm, nhiều sách chưa đọc. Lấy ống nhìn trời có gì gọi là kiến thức; dùng ngao đong biển, có gì gọi là uyên thâm…”. . Không những thế, Đặng Huy Trứ còn lên án cái học hư danh: học không phải để sau này cốt “áo chùng, đai lớn, bước rộng ngồi cao… Da báo thân dê trong bụng hoàn toàn trống rỗng”. Không hài lòng những sách giáo khoa từ xưa để lại, cho nên ông đã soạn sách giao khoa Sách học vấn tân,  Sĩ nông công thương tứ gia lạc, Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập, Tứ thư văn tuyển. Ngoài ra ông còn có những bài thơ bài phú có tính cách giáo dục như: Răn không uống rượu, Răn không cờ bạc, Răn không hút thuốc phiện…

– Về kinh tế:
Năm 1866 Đặng Huy Trứ đang giữ chức Biện Lý bộ Hộ ông đã tâu lên nhà vua xin lập Ty Bình Chuẩn để kinh doanh, gầy dựng kinh tế cho triều đình đang kiệt quệ. Ông tâu lên nhà vua: “Việc kinh doanh buôn bán mặc dù được cho là nghề mạt, gia đình tôi đã 4-5 đời là nhà nho bốn, năm đời chịu ơn nước, tôi xin ra sức khuyển mã để báo đáp, đảm bảo việc tài chính quốc gia quyết không từ nan”. Đề xuất của ông được nhà vua chấp thuận và giao cho ông  giữ chức Bình Chuẩn sứ đảm nhận ty này. Vượt lên quan niệm cổ hũ của nhà nho thời đó, coi rẻ nghề đi buôn, Với quan điểm kinh tế ”Sinh tài đại đạo sự phi khinh” (Làm giàu là một đạo lớn chớ xem khinh),  Đặng Huy Trứ thành lập nhiều hiệu buôn ở Hà Nội như: Lạc sinh điếm, Lạc thanh điếm, Lạc đức điếm, để tạo sự lưu thông hàng hóa cho 3 miền. Với số vốn ít ỏi của triều đình cấp (năm chục ngàn quan), ông đã động viên thêm vốn của tư nhân để kinh doanh theo công thức “Công tư lưỡng lợi” (Công tư lưỡng lợi nước thêm bền). Quan niệm về kinh tế của ngày nay vẫn còn nguyên giá trị,

– Về Quân sự:
Tháng 8 năm 1856, tàu chiến của Pháp đến đỗ ở bến Sơn Trà. Sau đó, bắn phá đồn lũy và bắt giữ quan binh của ta, rồi đó bỏ đi. Dù chiến tranh chưa nổ ra, nhưng hành động khiêu khích đã báo trước hiểm họa xâm lăng. Căm phẩn trước hành động của quân xâm lược, ông đã sáng tác bài thơ: “Vãng Đà nẵng quân thứ tức sự” (Đi quân thứ Đà Nẵng ghi lại).
 

Một vùng Đà Nẵng: rợ Tây dương,
Giữ nước, quân dân mệt lạ thường
……..
Diệt thù, sương gió thương quân sĩ
Lo nước, đêm ngày bận đế vương…
 

Theo Hoàng Kế Viêm thử pháo, ông đã thấy hiện ra cảnh:
 

“Ầm ầm pháo nổ ran muôn dặm
Mù mịt khói bay tỏa vạn trùng.
Chỉ đợi thiêu tàn gan ruột giặc,
Sóng kình từ đó bặt tăm không”.
 

Sau này, khi tình thế đã khẩn trương hơn, đó là lúc thực dân Pháp đã lộ rõ bộ mặt giả dối, đã chiếm Gia Định, Đặng Huy Trứ đã đứng về phe chủ chiến quyết tâm chống giặc ngoại xâm. Năm 1869 ông thành lập nhà in “Trí Trung đường” ở phố Thanh Hà (Hà Nội) đã cho in 2 cuốn binh thư là: Kỷ sự tân biên của Lương Huy Bích viết dưới thời Tây Sơn và 1 cuốn binh thư của Trung Quốc tên là “Kim Thang tá chử Thập nhị trù”. Ông gửi sách biếu các bạn bè. Trong thư biếu sách gửi lên Tổng đốc Thanh Hóa là Tôn Thất Hành, ông viết: “Bốn phương giặc giã đó là cái nhục của khanh đại phu. Muốn rửa nhục này không thể không đọc binh thư…

Sự nghiệp cuối trong cuộc đời làm quan của là về quân sự. Và ông đã từ trần trên thành lũy chống ngoại xâm.

– Nhà canh tân:
Nhờ sự ủng hộ và đề xuất của Phạm Phú Thứ, một đại thần yêu nước, biết rõ tài năng của Đặng Huy Trứ, ông được cử đi Hồng Công, Ma Cao, Quảng Đông 2 lần vào những năm 1865 và 1867. Trong thời gian ra nước ngoài, Đặng Huy Trứ ra sức học tập để gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi ý kiến với trí thức của xứ người, cũng như thu thập được trên các báo “Thiên tân kinh báo” và trên “Tuần san Quảng Châu” bằng tiếng Trung Quốc. Với hoài bão canh tân đất nước, ông đã đúc kết lại 1 bài văn đề ra một con đường “Tự cường, tự chủ” cho đất nước:

Kế hoạch “tự cường, tự trị” để đuổi theo các nước tiên tiến đó là: Lập cục cơ khí, đặc biệt là cơ sở đóng tàu, mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc lập cục dạy nghề, đúc súng ống …Học tập người Nhật xây dụng thuỷ quân, huấn luyện quân đội, dạy kỹ thuật hàng hải cho thuỷ thủ như nước Nhật. Tuyển chọn thanh niên tuấn tú, cho sang nước Anh học quân sự…” Từ những thành tựu to lớn mà các nước đã đạt được khi tiến hành tự cường, tự trị, đã thôi thúc Đặng Huy Trứ vận dụng những bài học kinh nghiệm của các nước này vào Việt Nam, đây cũng là nét vượt trội so với các nhà nho đương thời, Đặng Huy Trứ đã trở thành “một trong những người trồng mầm khai hoá đầu tiên ở Việt Nam”, như lời đánh giá của  Phan Bội Châu sau này.

– Nhà chính trị liêm chính:
Tuy gia nhập quan trường khá muộn màng, lúc ông đã 31 tuổi, do bị vướng vào vụ án văn chương “Gia miêu chi hại”. Tuy nhiên với tài năng, tâm huyết, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, suốt cuộc đời làm quan của mình, Đặng Huy Trứ đã có đưa ra những quan niệm khác thường về trách nhiệm của người làm quan. Quan niệm xưa: quan là mẹ của dân “dân chi phụ mẫu” để được sự cung phụng từ người dân. Đặng Huy Trứ trái lại cho rằng làm quan phải là người con của người “dân mọn”, là: “Thứ dân chi tử”.

“Danh lợi do lai nan lưỡng đắc.
Thứ dân chi tử diệc công khanh.”
(Danh lợi xưa nay khôn vẹn cả,
Làm con dân mọn cũng công khanh).
 

Nhưng về sau, rốt ráo hơn, ông đã tự gọi mình là “khuyển mã” của dân:
 

(Khuyển mã đời ta bốn chục rồi,
Uổng bao năm tháng lắm lầm sai…
 

Đặng Huy Trứ đã có nhiều bài thơ, văn  nói lên trách nhiệm của kẻ làm quan:
 

“Giúp chúa, dặm ngàn tâu chính sự
Vì dân, bệ ngọc giãi oan khiên”.
“Muốn dân được lợi cần quyền biến,
Tội vạ riêng mang há sợ gì”.
 

Cho nên dù khi đã làm quan đứng đầu một tỉnh, ông đã sống trong cảnh:
 

“Thức đến tàn canh, dậy trước lại
Ăn rành một món, khổ cùng dân”.
            Và ông làm thơ tự nhắc nhở mình:
“Son phấn tránh xa tinh thần sáng
Tiều phu gần gủi trí lự tăng
 

Nhà thơ Vũ Thọ Tiên đã có bài thơ tặng Đặng Huy Trứ, trong đó có đôi câu thơ:
 

(Lo dân chỉ muốn dân điều sướng,
Thân nhỏ mà sao trí lự đầy).
“Công ưu dục dữ dân giai lạc,
Thân đoản hà như lự cánh trường”.


– Nhà văn, nhà thơ Đặng Huy Trứ:

Làm thơ từ năm 15 tuổi. Ông đã để lại một khối lượng tác phẩm gồm 12 tập thơ, với hơn 1.200 bài, 4 tập văn, 1 tập hồi ký. Thơ văn ông nói lên cái ý chí phản ảnh tình cảm, nhân cách cao đẹp của ông. Nguyễn Văn Siêu xem ông là người bạn ‘băng tuyết”

(Lâu rồi bạn băng tuyết,
Hoa có dòng thủy tiên).
 

Tô Vĩ Đường, một nhà thơ Trung Quốc, khi viết lời “Tựa” cho tập thơ: “Đặng Hoàng Trung thi văn của ông đã có nhận xét: “Thơ thật là tinh luyện. Lời giản dị, ý nghĩa sâu xa, trong sáng và mới mẻ, phi thường và trác tuyệt, đẹp không gì sánh được.

Trong đó đã lịch duyệt núi sông ca ngợi phong tục đất nước, từ chuyện khen chê can gián trong nhà hay ngoài xã hội đến việc trù hoạch quốc kế dân sinh đều thấy trong câu thơ lời vịnh.

Giãi tỏ lòng trung mẫn hẳn ngang với Đỗ Phủ.
 

Miêu tả bách tính sinh linh hẳn so được với Bạch Cư Dị
 

“Trữ trung mẫn tắc đẳng ư Đỗ Công Bộ
Tả tính linh tắc tỉ ư Bạch Hương Sơn”.
 

 La Nghiêu Cù, một văn nhân khác của Trung Quốc khi đọc tập thơ trên cũng đã đề thơ tặng:
 

(Lời đẹp Thích – ca chuổi hạt châu!
Nam bang cờ sứ cắm thư lâu
Năm nao mượn bút Giang Lang chép
Voi chở thơ vàng rắc chín khu…).
Như Ông phong cách xứng thi hào,
Trước tác hàn lâm tự thuở nào.
Tạm trích vài trang công bố thử,
Lạc Dương giá giấy hẳn lên cao.

CÁC TÁC PHẨM CỦA ĐẶNG HUY TRỨ HIỆN CÒN ĐƯỢC LƯU GIŨ TẠI THƯ VIỆN HÁN NÔM:
 
            1. Bách duyệt tập (VHv.2395)
            2. Sách học vấn tân (VHv.884)
            3. Sách học vấn tân (VHv.409)
            4. Thanh Khang Hi ngự đề (VHv.824)
            5. Tứ giới thi (A.2867)
            6. Tứ thập bát hiếu thi họa toàn tập (A.3104/c)
            7. Từ thụ yếu qui (A.491/1-3)
            8. Tứ thư văn tuyển (VHv.341/1-4)
            9. Đặng Hoàng Trung ngũ giới pháp thiếp (A.1742)
            10. Đặng Hoàng Trung thi sao (VHv.249/1-2,4-6)
            11. Đặng Hoàng Trung văn sao (VHv.834/1-4)
            12. Nhĩ hoàng di ái lục (VHv.1435)
            13. Nhị vị tập [Bành ngũ lĩnh nhị vị tập] (AC.670)
            14. Tự trị yên đổ phương thư (A.2334)
            15. Đông nam tận mĩ lục (A.416).
 
– Các tác phẩm đã được dịch và xuất bản:
            1. Đặng Huy Trứ con người và tác phẩm. Nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh năm 1990.
            2. Từ thụ yếu quy. Nhà XB Pháp Lý- Hội khoa học lịch sử VN. 1992.
            3. Đặng Dịch Trai ngôn hành lục. nhà XB hội Sử học Việt Nam.
            4. Nhĩ Hoàng di ái lục. Nhà XB Văn hóa Thông tin- Hà Nội.

[/et_pb_text][/et_pb_column] [/et_pb_row] [/et_pb_section]