Minh kinh bác học Đặng Nghiễm (1170-1236)

Đặng Nghiễm là ngôi sao sáng về sự học, là một trong những người đặt nền móng cho đất học Thái Bình, vùng đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”.

Gia tộc Đặng Nghiễm là tấm gương tiêu biểu về hiếu học. Các con ông là Đặng Tào, Đặng Diễn đều đỗ Tiến sỹ là điều lạ xưa nay hiếm. Con trai thứ 3, Đặng Ma La đỗ Thám hoa khi chưa đầy 13 tuổi như một Kỳ đồng. Cháu nội Đặng Hữu Điểm và chắt là Đặng như Lâm đều học sâu, đỗ cao được triều Trần trọng dụng. Có thể nói, gia tộc Đặng Nghiễm đã trở thành danh gia vọng tộc theo con đường nho học và hiển đạt từ khoa cử rất sớm.

 (Bài viết của Nguyễn Trọng Thắng đăng trên Wesite hodangmiemtrung.com, Thứ Năm, 25/07/2013)

 Vào cuối thế kỷ XII, đời vua Lý Cao Tông (1185), có một người con ưu tú của vùng đất Sơn Nam Hạ (tỉnh Thái Bình ngày nay) đỗ khoa thi đầu tiên chọn hiền sỹ của vương triều, khai khoa cho tộc học, đất học khi mới 15 tuổi. Đó là Đặng Nghiễm (có sách ghi là Đặng Nghiêm) một hiền thần lẫy lừng tên tuổi của Vương triều nhà Lý- triều đại coi việc học làm trọng, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Với truyền thống hiếu học, dòng họ Đặng Việt Nam trở thành dòng họ khoa bảng bậc nhất của Việt Nam, với 63 người thuộc các thế hệ khác nhau đỗ đại khoa được lưu danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, trở thành tấm gương cho các thế hệ noi theo.

Đặng Nghiễm sinh năm 1170 (năm Canh Dần), tại làng Tấn Để, Trấn Sơn Nam Hạ, nay là làng An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; là con trai thứ của Đặng Phúc Mãn, Thủy tổ của dòng họ Đặng Thái Bình. Vốn thông minh, hiếu học, nổi tiếng là thần đồng ngay từ khi còn nhỏ, Đặng Nghiễm đã tinh thông Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo. Năm 1185, triều Lý Cao Tông tổ chức khoa thi đầu tiên chọn người tài, Đặng Nghiễm là một trong 5 vị đại khoa đỗ hiền sỹ ( nay là tiến sỹ) khi vừa tròn 15 tuổi, trở thành người đỗ khoa bảng đầu tiên của dòng họ Đặng Việt Nam và của Trấn Sơn Nam Hạ xưa ( nay là Thái Bình).
Sau khi đỗ đại khoa, Đặng Nghiễm được triều đình Nhà Lý tuyển chọn ngay vào giảng sách hầu Vua và dạy cho các Hoàng tử. Là người thầy tài cao, học rộng, đức độ, công minh tiếng tăm Đặng Nghiễm vượt hẳn các sỹ phu đương thời, được Vua Lý Cao Tông giao chức Thị lang Bộ công.
Lý Cao Tông mất, Đặng Nghiễm được Lý Huệ Tông trọng dụng. 15 năm sau Lý Huệ Tông thoái vị đi tu, Lý Chiêu Hoàng thế ngôi. Trần Thủ Độ cho Vua Bà 8 tuổi lấy Trần Cảnh cùng tuổi làm chồng. Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Đặng Nghiễm từ quan về quê mở trường dạy học. Ông thọ 64 tuổi, được con cháu dòng tộc thờ cúng tại Nhà thờ đại tộc tại thôn An Để, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Đặng Nghiễm là ngôi sao sáng về sự học mở ra những ngôi sao sáng tri thức trên bầu trời Việt Nam, là một trong những người đặt nền móng cho đất học Thái Bình, vùng đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”. Gia tộc Đặng Nghiễm là tấm gương tiêu biểu về hiếu học. Các con ông là Đặng Tào, Đặng Diễn đều đỗ Tiến sỹ là điều lạ xưa nay hiếm. Con trai thứ 3, Đặng Ma La đỗ Thám hoa khi chưa đầy 13 tuổi như một Kỳ đồng. Cháu nội Đặng Hữu Điểm và chắt là Đặng như Lâm đều học sâu, đỗ cao được triều Trần trọng dụng. Có thể nói, gia tộc Đặng Nghiễm đã trở thành danh gia vọng tộc theo con đường nho học và hiển đạt từ khoa cử rất sớm. Phải thừa nhận rằng, với sự giúp đỡ của các Thiền sư đã có công đào tạo cho nhà Lý một lớp trí thức dung hợp các ý thức dị biệt như Nho-Lão-Phật. Chính vì thế đã đem lại bầu không khí dân chủ, không bảo thủ, cái hay của nhân loại thì học và ứng dụng vào trị nước. Tinh thần học tập đó đã giúp nhà Lý thắng Tống, bình Chiêm, xây dựng nền văn hóa đậm đà sắc Việt. Để ghi nhớ những công lao xứng đáng khai khoa cho đất học, Đặng Nghiễm được tôn vinh là Danh nhân văn hóa của Thái Bình và được người đời nay đặt tên cho một con đường đầy chất nhân văn ở thành phố Thái Bình- Phố Đặng Nghiễm.
Người xưa đã từng nhận xét họ Đặng là “ Nam phương vượng tộc”, nghĩa là họ Đặng là một dòng họ thịnh vượng ở phương Nam. Quả là không sai. Ngày nay dòng dõi họ Đặng sinh sống ở hầu hết các vùng miền của Tổ quốc, nhưng đông đảo nhất vẫn là họ Đặng ở Thái Bình, Nam Định, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh,vvv … Nhưng sống ở đâu con cháu họ Đặng đều xứng danh với xã hội là người có học.
Họ Đặng Việt Nam được vinh danh trong sử sách khởi nguồn cũng từ việc học. 63 tiến sỹ thuộc các thế hệ họ Đặng được lưu danh tại Văn miếu Quốc Tử giám ( Hà Nội) là một bằng chứng sống động, mà Đặng Nghiễm là người đầu tiên khai khoa cho dòng họ Đặng và vùng đất Thái Bình. Với sự học, trên 500 con cháu các thế hệ họ Đặng Việt Nam đã trở thành các công thần, hiền thần, các nhà khoa học giúp các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn, vv … giữ yên bỡ cõi, mở mang thịnh trị đất nước.
Đặc biệt đầu thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng nhân dân cả nước đứng lên đập tan chế độ thực dân phong kiến, Đặng Xuân Khu một người con ưu tú của dòng họ Đặng Việt Nam đã trở thành một trong những lãnh tụ lỗi lạc của Đảng, trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam- Trường Chinh.
Sự học đã trở thành nếp sống, lối sống của dòng họ Đặng Việt Nam và đó cũng là dòng họ từng âm thầm dâng hiến trí tuệ kiến quốc, trải qua những biến cố thăng trầm của nhiều thời đại trong gần 10 thế kỷ phong kiến thịnh trị ở Việt Nam, đặt nền móng khai hóa văn minh cho dân tộc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, trong đó Đặng Nghiễm là người khai khoa cho cả một vùng đất châu thổ sông Hồng, Thái Bình được ghi danh là đất học, nơi góp phần và khẳng định “ nhân tài là nguyên khí của quốc gia”. Dưới thời phong kiến, trải qua 844 năm khoa cử, Thái Bình đã sản sinh 111 vị đỗ đại khoa, trong đó có 3 trạng nguyên là Phạm Đôn Lễ (1452), Đỗ Lý Khiêm (1512), Khiếu Đình Tuân( 1592). Đặc biệt, sau Đặng Nghiễm khai khoa 567 năm, Lê Quý Đôn đã hội tụ đầy đủ tinh tú của trời đất, trở thành nhà bác học đầu tiên của Việt Nam, để lại kho tàng trí tuệ vô giá cho dân tộc.
Từ sau cách mạng Tháng Tám 1945 và đặc biệt từ năm 1954 đến nay, truyền thồng hiếu học của dòng họ Đặng Việt Nam nói riêng, của mảnh đất Thái Bình nói chung tiếp tục được tiếp nối và khai sáng. Nhiều con em họ Đặng và người Thái Bình thành danh trên con đường học vấn. Theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay Thái Bình đã có trên 500 tiến sỹ khoa học và chuyên ngành, trên 50 người được phong hàm Giáo sư. Chính vì thế, từ sớm Thái Bình đã hình thành hệ thống giáo dục khép kín từ giáo dục mầm non, Tiểu học đến các trường Trung học phổ thông, Cao đẳng và Đại học, thu hút hàng triệu học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập.
Thái Bình cũng là tỉnh đi đầu trong cả nước khép kín Hội khuyến học, từng bước xã hội hóa giáo dục. Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học theo gương gia tộc Đặng Nghiễm ngày càng phát triển mạnh mẽ và đem lại hiệu quả xã hội thiết thực; góp phần đào tạo lớp người kế cận cho tương lai “ vừa hồng, vừa chuyên”. Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xếp phong trào giáo dục và khuyến học ở Thái Bình vào “ TOP” các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Để đánh giá, ghi nhận công lao xứng đáng của Đặng Nghiễm và dòng họ Đặng Việt Nam trong sự nghiệp trồng người, ngày 20-11-2007, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, Ban lịch sử địa phương ( Viện sử học), Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Ban liên lạc họ Đặng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về Đặng Nghiễm tại Bái đường Văn miếu Quốc Tử Giám ( Hà Nội) , thêm một lần nữa khẳng định vị thế của Đặng Nghiễm và dòng tộc họ Đặng Việt Nam trong lịch sử dân tộc.
Điều đáng vinh hạnh cho Đại tộc họ Đặng ở Thái Bình được đón di sao tượng đồng Tiên hiền Đặng Nghiễm từ Văn miếu Quốc Tử Giám về quê Thái Bình thờ tự như một lời nhắc nhở hậu thế và con cháu họ Đặng tiếp nối sự học của cha ông.
Chính vì thế, Ban liên lạc họ Đặng Việt Nam đã quyết định xây Đền thờ Đặng Nghiễm tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, với sự công đức của con cháu họ Đặng trong cả nước và nhân dân Thái Bình. Tiêu biểu là hậu duệ Đặng Phước Thành (Tp.Hồ Chí Minh) đã tiến cúng 600 triệu đồng cho xây dựng công trình. Hậu duệ Đặng Văn Khiêm và tộc trưởng nguyên tổ họ Đặng tại An Để là Đặng Đình Dung đã vinh hạnh được giao trực tiếp tổ chức thi công. Đến nay, công trình Đền thờ Đặng Nghiễm với sự đầu tư hàng tỷ đồng tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình đã hoàn công và được khánh thành vào ngày 9 tháng 9 năm Nhâm Thìn 2012.
Rồi đây Đền thờ Đặng Nghiễm tại thành phố Thái Bình không chỉ là nơi hội tụ, cõi đi về của con cháu Đặng tộc, mà còn là điểm tựa, nơi tôn vinh sự học của nhân quần cả nước. Được biết, Đền thờ Đặng Nghiễm sẽ trở thành gia phả sống lưu danh các con cháu Đặng tộc Việt Nam thành đạt về học vấn và sự cống hiến cho Tổ quốc, để mãi mãi xứng đáng với câu đối truyền đời của Đặng tộc:
Hiển hách công danh hộ quốc tôn dân công hầu kế thế.
Quang minh chính khí khai cơ lập nghiệp thi lễ truyền gia./.

                                                                                                                                                     Nguyễn Trọng Thắng