Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, được cân nhắc đặt cho một cái tên và luôn mong ước điều tốt đẹp đối với người mang tên đó. Mỗi thời đại có một tâm lý đặt tên riêng, mỗi dân tộc, đất nước có cách gọi, đặt tên khác nhau tùy thuộc vào nền văn hóa của dân tộc, đất nước, vùng miền nơi đó.

 Tên người Âu Mỹ thường viết theo thứ tự : Tên chính (Lina, Kevin, Carol…) + Tên đệm + Họ (Williams, Thomas, Smith…); khi xưng hô người ta thường gọi Họ ít khi gọi tên chính như người Việt.

Tên người Việt Nam có thể phân loại có 3 thành phần chính gồm: Họ + Tên đệm + Tên chính. Họ là tập hợp hữu hạn có tính huyết thống (cùng chung dòng máu), cha truyền con nối (họ nội, họ ngoại), ổn định, mang tính xã hội, lịch sử lâu đời, họ luôn đứng ở vị trí thứ nhất, họ ở vị trí thứ nhì họ trở thành tên đệm; tên đệm là hệ thống mở, vừa dùng để phân biệt giới tính, vừa có thể liên hệ với tập thể với cá nhân, rất biến động; tên chính là tên riêng của mỗi người, cũng là hệ thống mở, phong phú hơn họ và tên đệm, nó gắn chặt với mỗi cá nhân; tên chính và tên đệm phụ thuộc vào người đặt tên mang yếu tố tâm lý và có tính thẩm mỹ về mặt ngôn ngữ; Thực tế cũng có trường hợp tên người chỉ gồm có họ và tên chính, không có tên đệm (như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Khúc Hạo, Đinh Núp, Trần Liễu, Đặng Tất…).

Tên người Việt Nam có chức năng chính là dùng để phân biệt người này với người khác, dòng họ này với dòng họ khác, phân biệt giới tính, có ý nghĩa về mặt ngữ, nghĩa. Việc đặt tên thường theo nguyên tắc ngắn gọn (tránh quá dài, để dễ giao tiếp), tránh trùng lắp, phân biệt được giới tính, cố gắng hay về ý và đẹp về âm. 

Họ: Thông thường họ ra đời, có trước tên chính và tên đệm; năm 1932, (trong bài Lesnoms de famille ou “họ” chez les annamites du delta tonkinois) P. Gourou có liệt kê Việt Nam có 94 họ của người Kinh và 109 họ của đồng bào các dân tộc, tổng cộng có 203 họ; đến 1954 ngành nhân danh học được hình thành với nhiều bài viết về dòng họ và tên người Việt Nam, trong đó, tác giả Nguyễn Bạt Tụy đã liệt kê 308 họ và khảo cứu về cách đặt tên đệm, tên chính của người Việt Nam (trong bài viết Tên người Việt Nam); phần lớn các họ của người Kinh có nguồn gốc Trung Quốc, người Trung Quốc có khoảng 700 họ (theo Họ và tên người Việt Nam của PGS,TS Lê Trung Hoa, nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 2005, trang 33); một số họ do người Việt tự đặt ra (như họ Khiếu…); Vua Gia Long sau khi lên ngôi, đã dùng các từ ngữ như Tôn Thất, Tôn Nữ cho cháu trai, gái của mình để phân biệt với người ngoài hoàng tộc, sau này Tôn Thất, Tôn Nữ được dùng như họ; Người Khơ-me ở miền Tây Nam Bộ lấy chữ đầu của tên làng làm họ ( như họ Dương ở làng Dương Hòa, họ Kỳ ở làng Kỳ Lộ, họ Lộc ở làng Lộc Trí, họ Trà ở làng Trà Tiên…); một số dân tộc thiểu số không có họ, Vua chúa người Kinh đã ban cho (như người Chăm 4 họ: Ông, Ma, Trà, Chế; người Khơ-me: 5 họ: Danh, Kim, Lâm, Sơn, Thạch; người Hr ê họ Đinh; …); tỉ lệ phân bố các họ qua khảo sát 805 người ở Nam Bộ và 1136 người ở Bắc Bộ ( trích từ tài liệu Họ và tên người Việt Nam của Lê Trung Hoa, trang 65) cho thấy 15 họ có số đông đứng đầu danh sách gồm: họ Nguyễn có 38,4%, họ Trần có 12,1%, họ Lê có 9,5%, họ Phạm có 7%, họ Hoàng, Huỳnh có 5,1%, họ Phan có 4,5%, họ Vũ, Võ có 3,9%, họ Đặng có 2,1%, họ Bùi có 2%, họ Đỗ có 1,4%, họ Hồ có 1,3%, họ Ngô có 1,3%, họ Dương có 1%, họ Lý có 0,5%. Nguyên nhân có sự khác biệt, biến động có thể có nhiều nhưng có mấy nguyên nhân chính của sự thay đổi họ tên là do bị bán khoán (do khó nuôi), làm con nuôi một nhà họ thì phải lấy nhà họ đó, bị bắt buộc đổi do phạm húy, tiếm quyền (mang họ nhà Chúa) hay bị phạm tội, được vua chúa ban họ, đổi họ vì mục đích chính trị, tránh pháp luật đương thời hay để tránh trả thù, cũng có thể đổi họ vì ngoại hôn hoặc mâu thuẫn, vì ở rễ, theo phong tục, vì ái mộ hay đổi họ để lừa gạt.

Lịch sử dòng họ ở Việt Nam có nhiều thăng trầm biến động theo thời gian qua các giai đoạn; đa số các dân tộc ở Việt Nam theo chế độ phụ hệ, đặt tên cho con cái lấy họ cha, một số ít dân tộc còn theo chế độ mẫu hệ khi đặt tên cho con lấy họ mẹ (như Ê Đê, Gia Rai, Chăm, Mnông…); dân tộc Kinh và nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam trước đây chỉ có họ đơn, không có họ ghép (hai họ ghép lại), nay lại có xu hướng ghép cả họ cha và họ mẹ lại thành họ cho con cái của mình nhằm một cách ghi nhớ dòng họ của người mẹ; coi trọng “đồng tác giả” của “tác phẩm” là đứa con của hôn nhân gia đình; trong một khảo sát tại một trường Trung học phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh, năm học 1990-1991 có 47/ 424 học sinh có tên đệm là họ mẹ, chiếm tỉ lệ 11% (tác giả Lê Trung Hoa, sách đã dẫn).

Tên đệm hay tên lót xen giữa họ và tên chính, tên đệm có thể có hoặc không có tên đệm; tên đệm thường dùng là từ đơn như “Thị” cho nữ, “Văn” dùng cho nam; đôi khi cũng có thể là từ ghép, từ phức (như Trần Văn Hiến Minh, Lê Như Nguyệt Thảo …); tên đệm thường để phân biệt, làm rõ giới tính nam hay nữ, thứ bậc trong gia đình dòng họ, ảnh hưởng của ngôn ngữ Hán, Nho như tên đệm Bá để chỉ con dòng họ trưởng, Gia là con trưởng, Mạnh, Trọng, Quý là dòng họ thứ, con thứ nhì, con út,…tên đệm có ý nghĩa tốt đẹp nói đến những tiết mùa trong năm như: Xuân, Thu…, chỉ vật quý như: Cẩm, Châu, Ngọc, Quỳnh…, các màu, sáng đẹp như: Hồng, Bích, Minh, Thanh…, chỉ phẩm hạnh, vẽ đẹp như: Đức, Trí, Trung, Thanh, Diễm, Mỹ, Lệ…, chỉ tài năng, may mắn, tiến bộ, phát đạt như: Tấn, Tài, Tuấn, Cao, Tiến, Sĩ, Quý, Đắc, Chí, Phú, Phúc, Thọ, …, chỉ sự mạnh mẽ, to lớn, lâu bền như: Quốc, Đại, Đình, Thái, Trường, Dương…nhiều trường hợp lấy tên đệm của cha hoặc tên đệm của mẹ để làm tên đệm cho con.

Tên chính là tên gọi của từng người, từng cá nhân, để phân biệt với người, cá nhân khác, được lựa chọn cẩn thận và có lý do, xu hướng đa âm tiết. Tên người do cha, mẹ chọn, đặt tên căn cứ vào đặc điểm, phái tính của trẻ, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội, ước vọng của cha mẹ mà chọn, chứ không phải tùy tiện đặt tên.

Tục ngữ có câu “Coi mặt đặt tên” có thể thể hiện tên nhân vật chính diện, tri thức, bình dân trong các tác phẩm nghệ thuật như Vân Tiên, Tử Trực, Lan Ngọc, Anh Pha, Thị Nở…lấy tên của danh nhân, nghệ sĩ như: Quốc Toản, Tri Phương, Thanh Nga, Thanh Trà, Lệ Thủy…hoặc có thể cùng âm đầu, cùng vần với cha hoặc mẹ: cha tên là Biên thì con là Bình, Bồng, Bưởi, Bắc…; mẹ là Hà thì con là Kha, Na, Hoa, cha là Lê Linh Lang thì con là Lê Luyến Lưu Ly…; cũng có thể cùng một bộ chữ Hán như cha, mẹ; tên ngành nghề: Sĩ, Nông, Công, Thương; hình thái văn nghệ như: Thơ, Văn, Ca, Vũ; tên nguyên liệu như: Gang, Đồng, Bạc…; dụng cụ, bộ phận của sản phẩm như: Chàng, Bào, Cưa, Cột, Kèo, Rui, Mè; liên quan đến thời gian, không gian như: Tí, Sửu, Dần, Mão, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Xuân, Hạ, Thu, Đông; biến cố chính trị như: Tản Cư, Hòa Bình, Hiệp Định, Thống Nhất; khẩu hiệu đương thời như: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Cải, Tiến, Kỹ, Thuật; địa danh, tên các nước như: Ngọc Hồi, Tú Sơn, Việt, Nga, Anh, Nhựt, Mỹ, Âu, Á, Úc, Phi…hoặc những thành ngữ, từ ngữ thể hiện ước vọng tốt đẹp về phẩm hạnh như: Công Bình, Thanh Liêm, Trung Kiên, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Công, Dung, Ngôn, Hạnh, Hiền, Diệu, Thảo…; sự thành đạt giàu có như: Phú, Quý, Vinh, Hoa, Công, Thành, Danh, Toại…; thể hiện sức khỏe như: Mạnh, Khỏe, Cường, Tráng,…cũng có khi là số thứ tự thuần Việt như: Môt, Hai, Ba…; Hán – Việt như: Nhất, Nhị, Tam…, dịch Tiếng Pháp như: Ôn, Đơ, Troa…; có thể là chim đẹp, hót hay như: Họa Mi, Sơn Ca, Oanh, Phụng, Yến,… tên động vật, thực vật như: Long, Lân, Quy, Phụng, Rô, Mè, Chép, Trắm, Ổi, Xoài, Mận, Mít…; cha mẹ làm ruộng thì thường đặt tên cho con là: Cày, Bừa, Liềm, Hái…; cha mẹ làm nghề thợ mộc thì đặt tên cho con là: Dùi, Đục, Bào, Cưa…; cha mẹ làm thợ rèn thì đặt tên cho con là: Bễ, Đe, Lò, Than… cũng có thể là tên của người yêu, kẻ thù, lấy tiếng nước ngoài….

Việc thay đổi tên cũng thường có thể do vua đổi tên cho, tên trùng với tên vua, tên bậc đời trước (phạm húy), đổi tên do có biến cố, sau cơn bệnh nặng, thi rớt, để trốn lính, hoạt động cách mạng, gọi theo tên chồng, theo con đầu lòng…

Tên đệm phối hợp với tên chính giúp làm rõ phái tính, có thể nhận biết được nam hay nữ.

Tên không trùng với bậc trưởng thượng thế hệ đời trước, phạm húy, tránh tên các vị thần thánh, vua chúa, tránh gợi nhớ điều xấu, bất hạnh như Rơi, Hận, Thù, Tù, Ngục, Nạn…, bệnh hiểm nghèo như: Ung, Cùi…; quá dài, quá kỳ quặc như Phan Hết Gas Hết Số, Mai Phạt Sáu Ngàn Rưởi…; tên tục tiểu gây ngượng ngùng, mặc cảm, xấu hỗ, phiền toái, bất tiện, khó xử cho trẻ lúc trưởng thành khi giao tiếp trong cuộc sống, đó là những điều mà bậc làm cha, làm mẹ phải nghỉ đến khi đặt tên cho con.

Ngoài họ, tên đệm, tên chính theo giấy khai sinh (gọi là tên khai sinh) có người còn có các danh hiệu như tên hèm (tên cúng cơm), tên thường gọi, tên tục (thường là tên xấu xí, không đẹp), tên húy (dùng cho vua chúa, quan lại, thần thánh, ông bà, thầy giáo…) do cha, mẹ đặt từ thuở nhỏ, khi trưởng thành không nhắc đến theo tục lệ cũ; tên tự, tên hiệu, biệt hiệu, tước hiệu, tên thụy của nho sĩ; tên bút danh, nghệ danh, xước danh (hài danh) của văn nghệ sĩ; pháp danh, pháp tự, pháp hiệu, đạo hiệu, tên thánh của tu sĩ, tín đồ tôn giáo. Các danh hiệu là tên riêng khác của mỗi người, cũng có thể thay đổi theo thành phần xã hội (vua chúa, nho sĩ, quan lại, lãnh tụ, tri thức, văn nghệ sĩ, tu sĩ, dân thường…), chế độ chính trị (phong kiến, thực dân, ngày nay…) tính thẩm mỹ cao, thấp tùy theo thành phần xã hội, suy nghĩ, cảm tính của người đặt tên. Ngoài ra còn có bí danh (thay tên thật để giữ bí mật), bí số (những con số thay cho tên thật), mật danh (danh xưng bí mật), ngụy danh (tên giả)…

Cách đặt tên của người Việt mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt, ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều ý nghĩa và đôi  khi cũng trở nên phức tạp hơn./.

[/et_pb_text][/et_pb_column][/et_pb_row][/et_pb_section]