Biển Thanh Khê ngày nay
Biển Thanh Khê ngày nay

Thanh Khê là địa danh Cách mạng với truyền thống anh hùng của 7 Dũng sĩ Thanh Khê, trải qua ba phần tư thế kỷ đứng lên phá tan xiềng xích nô lệ, góp phần đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thanh Khê Tây, một phần của Làng Thanh Khê, trước đây phần lớn là làng chài, người dân sống chủ yếu bằng nghề làm nông nghiệp, chài lưới và đánh bắt hải sản. Nơi đây, lúc đầu là những chòm xóm thưa thớt do một nhóm người các nơi đến quy tụ để sinh sống, lập ấp khai hoang, sau dân số tăng dần nới họp thành làng. Ngài Cao tằng tổ khảo Đặng Tánh, tên thường gọi là Đặng Văn Doi cũng là một trong những người đầu tiên, cùng các chư phái tộc, các dòng họ khác (Nguyễn, Đào, Phan, Lê…) ở làng Thanh Khê khẩn hoang phát triển nông, ngư nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, làng, nước.

Cung đường Biển Thanh Khê

Đất lành chim đậu, Ngài Đặng Tánh – Hậu duệ Đời thứ 8 của Ngài Đặng Văn Cẩn làm nghề sông nước, di lai đến Làng chài Thanh Khê kết duyên cùng với con gái Tộc Hồ (bà Hồ Thị Nhiêu) nên gia thất và lập nghiệp tại xứ Hoàng Hậu, ấp Thanh Khê Tây thuộc huyện Hòa Vang (tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ) nay là phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, đến nay gần 200 năm Ngài là hậu duệ thuộc Phái Nhì, Chi Nhất, Nhánh Nhì Tộc Đặng văn Non Nước, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Quá trình khẩn hoang lập nghiệp, cũng là quá trình đấu tranh sinh tồn, bền bỉ, kiên trì, đầy gian khổ của các thế hệ tiền nhân đi trước, tạo cơ đồ cho sự phát triển của các thế hệ con cháu ngày hôm nay.

Hậu duệ của Ngài ở đất làng Thanh Khê Tây đến nay đã có trên 7 đời với 4 chi, 11 nhánh. Phả đồ Chi họ Tộc Đặng làng Thanh Khê Tây có Thất đại (7 đời ở Thanh Khê Tây). Sơ tiên tổ, đời thứ nhất là Ngài Cao tằng tổ khảo Đặng Tánh và con cháu hiện là Đời thứ 14 của Đặng Tộc Non Nước, Ngũ Hành Sơn.

Con cháu Chi họ Tộc Đặng Thanh Khê Tây ngày nay đã không ngừng trưởng thành, phát triển, phần lớn ở Thanh Khê và một bộ phận sinh sống lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Long An. Tuy có người đã quá cố, có người đang lập nghiệp hay tha phương nơi đất khách, quê người, có người đang là dâu, rễ những dòng họ Tộc khác; nhưng dù chính phái hay ngoại tộc, dù nội hay ngoại, dù bất cứ ở đâu hay làm việc gì cũng đều có tâm linh luôn hướng về cội nguồn gia đình, dòng tộc; nhiều người vẫn còn chịu ảnh hưởng, chi phối hay giữ cho mình dòng máu, khí chất quang minh chính khí của người dòng họ Tộc Đặng thường: Tiết Liệt, Cương Trung, Trung Thần, Hiếu Tử mà Vua Lê Thái Tổ ban tặng năm 1428.

Để ghi nhớ công ơn của Ngài Cao tằng tổ khảo Đặng Văn Doi, con cháu đã tự nguyện đóng góp công, góp của, xây dựng ngôi Từ đường Đặng Tộc Thanh Khê Tây để hằng năm xuân kỳ thu tế con cháu tụ họp về đây tổ chức tế lễ Ngài vào ngày 24 tháng 11 âm lịch.

Chi họ Tộc Đặng Thanh Khê Tây, ấp Hoàng Hậu xứ có thể chưa dày bằng Tộc Họ khác. Song Chi họ Tộc Đặng ở Thanh Khê Tây luôn cố gắng gìn giữ gia phong, tôn trọng quốc pháp và ý thức sâu xa được nguồn gốc từ Tộc Đặng ở Non Nước, Ngũ Hành Sơn, một phần của Đặng Tộc Việt Nam, một bộ phận của đại gia đình các Tộc họ, dân tộc Việt Nam./.