Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tìm ra vaccine phòng bệnh sốt rét nhưng chỉ mới trong giai đoạn nghiên cứu thực nghiệm. Cố giáo sư, bác si Đặng Văn Ngữ là người thầy thuốc đầu tiên của Việt Nam đã hình thành rất sớm ý tưởng và thực hiện nghiên cứu vaccine chống bệnh sốt rét nhưng công việc bị gián đoạn do Giáo sư đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ tại chiến trường miền Nam…
Giáo sư, bác sĩ Đặng văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại An Cựu, thành phố Huế trong một gia đình nhà Nho, sống bằng buôn bán nhỏ. Ông học tiểu học ở Vinh, trung học tại Huế và đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp và học tiếp tại Hà Nội. Năm 1930, ông đỗ tú tài bản xứ lẫn tú tài Pháp, nhờ vậy ông được nhận học bổng để tiếp tục theo học tại Trường Y- Dược thuộc đại học Đông Dương. Với thành tích học tập tốt, sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937, ông là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho giáo sư Galliard- Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng Trường Y- Dược lúc đó.
Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910- 1967)
Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng và là giảng viên Sinh học Ban Dược. Với cương vị này, ông đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu khoa học, công bố 19 công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học, nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Do đó, năm 1943, ông được chọn đi du học ở Nhật với tiêu chuẩn “là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền Y học của Pháp ở Việt Nam”. Từ năm 1943 tới cuối năm 1948, ông học tập và làm việc tại Nhật. Ông học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về bệnh lao và bệnh phong (bệnh hủi) tại Trường Đại học Tokyo, về vi trùng đường ruột ở Bệnh viện truyền nhiễm Tokyo. Trong hai năm 1947- 1948, tại Quân Y viện 406 của Mỹ ở Nhật, ông đã tìm ra giống nấm sản xuất penicillin, có lẽ đó là một trong những giống nấm penicillin đầu tiên tìm thấy ở Nhật. Trong thời gian đó, người Pháp, người Nhật, người Mỹ đều muốn sử dụng tài năng của ông, nhưng, ông luôn nghĩ mình là người Việt Nam, phải làm gì cho Tổ quốc. Khi nghiên cứu về nấm kháng sinh, ông đã tranh thủ lưu trữ được một số giống để sau này sẽ sử dụng khi về nước .Năm 1949, theo tiếng gọi của Tổ quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông về nước tham gia kháng chiến
Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ giảng bài cho sinh viên trong phòng thí nghiệm ở Lang Quán (Tuyên Quang) trong kháng chiến chống Pháp
Trong phòng thí nghiệm đơn sơ bằng tre, nứa, lá giữa núi rừng Việt Bắc (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), ông đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh, nước lọc penicillin chế từ giống nấm ông đem từ Nhật về, phục vụ kịp thời cho thương, bệnh binh trên các chiến trường, nhất là trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Tiêu diệt bệnh sốt rét là hoài bão lớn của Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Suốt 8 năm trời, ông đi khảo sát khắp các vùng từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Quảng Bình, Vĩnh Linh, xây dựng kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét và đã thực thi có kết quả kế hoạch đó. Sau khi Hòa bình lập lại, ông là người xây dựng ngành Ký sinh vật Việt Nam, từ đào tạo các bộ đến xây dựng các mạng lưới có hệ thống. Năm 1957, ông sáng lập Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng; Chủ nhiệm chương trình tiêu diệt dịch bệnh sốt rét ở miền Bắc. Ông là một trong số ít người thời đó có ý tưởng sản xuất vaccine phòng chống sốt rét. Từ năm 1965, nhận rõ nhu cầu to lớn về vaccine phòng chống bệnh sốt rét ở chiến trường miền Nam, ông dẫn đầu đội công tác của Viện Sốt rét trung ương đi phục vụ chiến trường. Đội công tác của ông đã nghiên cứu chế tạo thành công loại vaccine mới ngay trên vùng đất lửa Vĩnh Linh, đưa vào sản xuất để phục vụ các chiến trường Khu V, Tây nguyên và các mặt trận khác. Kết quả nghiên cứu miệt mài của ông và cộng sự đã được công bố trong “15 năm ngành ký sinh trùng học ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1965)”.
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ và Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí đang kiểm tra thuốc nước penixilin trong kháng chiến chống Pháp
Tiếc rằng chỉ ít lâu sau, trong khi đang công tác thì ông bị bom Mỹ sát hại ngày 1/4/1967 tại chiến trường Khu V.
Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ là một người Việt Nam yêu nước, dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu khoa học, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Giáo sư đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Liệt sĩ. Năm 1996, Nhà nước ta truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của ông, các trường Đại học, cao đẳng Y khoa, các Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng lại tổ chức lễ tưởng niệm và hội nghị khoa học chuyên ngành./.
Chu Lộc- Phương Thảo (tổng hợp)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Phản hồi gần đây