(Nội dung bài viết dựa trên bài của Lan Phương đăng trên Website Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày 30/09/2015  12:12 )

      Ngọc Hồi – Đống Đa là hai chiến thắng oanh liệt nhất, giữ vai trò quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Thanh năm 1788 – 1789, Quang Trung Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy trận Ngọc Hồi. Nhưng dưới sự lãnh đạo chung của Quang Trung, ai là người đã chỉ huy quân đội Tây Sơn lập nên chiến công Đống Đa lịch sử?

           Qua một số nghiên cứu đã phát hiện được các di vật gốc đời Tây Sơn và thu thập được một số tư liệu cho phép xác minh một tướng Tây Sơn được Quang Trung giao cho trọng trách đánh thắng trận Đống Đa là Đô Đốc Đông Hầu Đặng Tiến Đông.

 

  Tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông (chùa Trăm gian – Hà Tây). Nguồn: Internet

          Gia phả các chi họ Đặng, đặc biệt là bộ Đặng gia phổ hệ toàn chỉnh thực lục gồm 6 quyển do chính Đặng Tiến Đông biên soạn vào đời Tây Sơn và Ngô Thì Nhậm đề tựa.

          Đặng Tiến Đông sinh ngày 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1738), quê ở làng Lương Xá, nay thuộc xã Tâm Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, là một võ tướng của nhà Tây Sơn, thuộc chi trưởng dòng họ Đặng.

         Đặng Tiến Đông là con trai thứ tám của Dân Quận công Đặng Tiến Cẩm và bà vợ lẽ thứ năm Phạm Thị Yến. Vào thời Lê – Mạc, cả gia đình đều là những quan lại, tướng soái cao cấp, giữ nhiều chức quan trong triều, ngoài trấn. Ông được triều Tây Sơn phong đến chức Đại tướng Thống vũ Thắng vệ thiên hùng hiệu, Vệ quốc Thượng Tướng quân trấn thủ hai xứ Thanh Hóa và Nghệ An. Người ta còn gọi ông là Đô đốc Mưu hoặc Đô đốc Đông.

          Thuộc một dòng họ thế phiệt, xuất thân trong một gia đình quý tộc nhưng Đặng Tiến Đông sinh ra và lớn lên vào lúc đất nước đang đầy những biến động.

         Năm Kỷ Tỵ (1749), khi mới 12 tuổi, ông đã mồ côi cha. Mười năm sau, năm Kỷ Mão (1759), mẹ ông cũng qua đời.

         Sớm phải chứng kiến biết bao cảnh đổ nát, tàn tạ của chế độ phong kiến Lê – Trịnh, đời sống lầm than, cực khổ của nhân dân và những cuộc đấu tranh của nông dân Đàng Ngoài đang làm lung lay tận nền tảng cơ đồ thống trị của vua Lê chúa Trịnh, Đặng Tiến Đông muốn tìm cho mình một lực lượng mới để đem tài năng, sức lực ra phục vụ đất nước. Ông là một trong số các sĩ phu Bắc Hà sớm thấy những sức mạnh mới ở phong trào Tây Sơn.

         Năm 1787, Đặng Tiến Đông lặn lội vào tận Quảng Nam tìm gặp Nguyễn Huệ và được Nguyện Huệ phong làm Đô đốc Đồng tri, tước Đông Lĩnh hầu, trấn thủ xứ Thanh Hóa. Trong sắc phong ông làm Đô đốc hiện còn lưu giữ bởi dòng họ Đặng ở Tam Điền, Chương Mỹ, Nguyễn Huệ có ghi: “Có khí khái của trượng phu, tấm lòng của nam tử, đường làm quan gặp gỡ, dựng nên công lớn vua tôi, sau trước báo đền không quên điều hiểu biết của kẻ sĩ trong nước, qua mùa đông mà không chịu khuất như cây tùng lúc giá rét…

         Cuối năm Mậu Thân (1788), quân xâm lược Mãn Thanh tràn sang Thăng Long. Quân Tây Sơn ở Bắc Hà phải tạm rút về giữ phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn. Vùng đất Thanh Hóa trở thành một địa bàn chiến lược quan trọng. Đó là vùng đất nằm ngay sau phòng tuyến của quân đội Tây Sơn, tiếp giáp với vùng kiểm soát của địch. Đó cũng là vùng cực bắc hậu phương an toàn của quân Tây Sơn. Với cương vị là trấn thủ xứ Thanh Hóa, đô đốc Đặng Tiến Đông đã góp phần cùng Ngô Văn Sở xây dựng hệ thống phòng thủ trên đất Thanh Hóa và chuẩn bị lực lượng để chờ đại quân của Quang Trung kéo ra phản công.

         Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), trong chiến dịch đánh đuổi quân Thanh xâm lược, khi từ Tam Điệp – Biện Sơn mở cuộc tập kích chiến lược giải phóng kinh thành Thăng Long, Quang Trung đã giao cho Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy đạo quân tiên phong tiến ra bất ngờ tập kích tiêu diệt đồn Đống Đa. Mờ sáng ngày 5 tháng Giêng, tết Kỷ Dậu (1789), khi Quang Trung chỉ huy đạo quân chủ lực tiến đánh đồn Ngọc Hồi ở phía Nam Thăng Long thì Đô đốc Đặng Tiến Đông, theo kế hoạch của Quang Trung, chỉ huy một đạo quân theo con đường “thượng đạo” qua Phó Cát ra Nho Quan (Ninh Bình) rồi xuyên qua Chương Đức (nay thuộc Chương Mỹ, Hà Nội) tiến ra Đống Đa. Con đường “thượng đạo” đã có từ lâu trong lịch sử, nhưng đến thế kỷ XVIII thì đường núi đã bị tắc nghẽn không thể đi được, vì thế quân Tây Sơn phải mở lấy đường đi nhằm con đường ngắn nhất, tạo thế bất ngờ đánh sâu vào đại bản doanh của giặc.

         Gần sáng ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu, nhân lúc trời còn tối, quân Tây Sơn đã áp sát đồn Đống Đa, rồi bất ngờ tiến công vào doanh trại giặc. Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa sức tấn công dũng mãnh của quân đội Tây Sơn với sự nổi dậy của nhân dân địa phương, quân ta đã giành thắng lợi một cách nhanh chóng. Trận đánh mở đầu vào lúc canh tư và kết thúc khi trời còn chưa sáng rõ. Sau khi tiêu diệt đồn Đống Đa, Đô đốc Đặng Tiến Đông đưa đạo quân tiên phong vượt cửa ô Thịnh Quang, tràn vào thành Thăng Long. Rồi như một mũi dao nhọn, quân tiên phong của Đặng Tiến Đông tiến thẳng về phía cung Tây Long (vùng gần nhà hát lớn Hà Nội ngày nay), tạo nên mối uy hiếp hết sức bất ngờ đối với đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.

         Mũi tiến công trực diện như vũ bão của đạo quan chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy ở mặt Nam Thăng Long cùng với mũi tấn công vu hồi thọc sâu bất ngờ sắc bén do Đô đốc Đặng Tiến Đông ở mặt Tây Nam đã giáng một đòn quyết định đập tan cuộc xâm lược của quân Thanh, buộc Tôn Sĩ Nghị và bọn tàn quân phải tháo chạy thảm hại.

         Sau chiến thắng vang dội này, Quang Trung Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long vỗ về dân chúng và khen thưởng các tướng sĩ đã chiến đấu dũng cảm và lập công xuất sắc. Đô đốc Đặng Tiến Đông được ban thưởng làng Lương Xá, quê hương ông để làm thực ấp vĩnh viễn. Các khoản nghĩa vụ đối với triều đình như tô thuế và binh dịch đều được miễn trừ.

         Sau khi đánh tan quân giặc ngoại xâm, Đặng Tiến Đông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Tây Sơn, tiếp tục đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước. Trong thời Quang Toản (1792-1802), ông giữ chức Đại tướng Thống vũ Thắng vệ thiên hùng hiệu.

         Đặng Tiến Đông mất ngày 15 tháng 4, tại quê nhà vào cuối thời Tây Sơn. Mộ ông táng ở xứ Đông Trê, nay thuộc thôn Đầm Đền, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Lan Phương (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo

– PGS.TS Nguyễn Xuân Dũng (2013), Danh tướng trong lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học Xã Hội.

– Nguyễn Khắc Thuần (2012), Danh tướng Việt Nam, tập 3, Nxb Thời Đại.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia