Tết Nguyên đán là lễ Tết cổ truyền, thiêng liêng và trọng đại của dân tộc ta, có nơi gọi là Tết cả, tầm quan trọng của Tết bắt rễ sâu xa từ trong tinh thần và tình cảm của người con, dân đất Việt; đây cũng là thời điểm thiêng liêng kết nối giữa trời và đất, giữa âm và dương, giữa cõi vĩnh hằng với nhân gian hiện hữu, giữa lịch đại tổ tiên với con cháu hiện tồn, nó là sợi dây làm cho thắc chặt, bền lâu tình cảm thân ái giữa mỗi cá nhân, gia đình với tập thể, gia tộc, với bạn bè thân hữu, với láng giềng chòm xóm, cộng đồng xã hội…

Trãi qua biết bao đời, bao thế hệ, các lễ tiết giao mùa của dân tộc được hình thành và phát triển, Tết Nguyên đán được xác lập, thu nạp thêm thành tố mới từ điển lệ Nho giáo, những người thờ cúng, những tín điều và kiêng kỵ của Đạo giáo, Phật giáo, Tết Nguyên đán đã tạo nên một phức thể đa dạng và phong phú.

Tết gốc từ ” tiết” chỉ việc phân đoạn về thời tiết trong năm; mỗi năm có 24 tiết, 4 mùa gắn với 8 tiết chính gọi là “tứ thời bát tiết” bao gồm tứ lập (lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông), nhị phân (xuân phân, thu phân) và nhị chí ( hạ chí và đông chí), Tết Nguyên đán diễn ra vào ngày đầu năm là lễ quan trọng nhất. Tết là tiết nhật bắt nguồn từ việc canh tác nông nghiệp, được xác lập trên cơ sở biến đổi khí hậu; theo nông lịch cổ, tính theo lịch pháp âm – dương lịch, mà ta quen gọi là âm lịch, mỗi năm có 24 tiết khí, tức là căn cứ vào sự thay đổi khí hậu để phân đoạn một năm thành 24 chặng, trung bình mỗi tháng có 2 tiết gồm một tiết khí và một trung khí với những tiết khí đánh dấu giao điểm của bốn mùa. Mặc khác, sự thay đổi các pha kỳ của mặt trăng cũng được thế nhân chú ý để xác lập nên các thời điểm quan trọng trong tháng như dựa vào trăng tròn hay khuyết của mặt trăng, người ta gọi là ngày nguyệt sóc (mùng một) hay vọng nhật (ngày rằm); ngày nguyệt sóc/mùng một còn gọi là ngày thượng nhật hay là nguyên nhật với mùng một tháng Giêng gọi là Nguyên đán trở thành ngày Tết đầu tiên trong năm. Dần theo thời gian, ngày tháng của lịch pháp cổ và thời tiết tiết khí kết hợp với hoạt động sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng đã hình thành một loạt các ngày Tết, có Tết/tiết lớn, nhỏ và Tết nguyên đán dẫn đã trở thành Tết lớn nhất trong năm được tổ chức vào tiết nhật mà thời tiết, khí hậu thuận lợi cho công việc sản xuất và cũng là thời điểm dồi dào về nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm để hưởng dụng: gọi là “ăn Tết”.

Sự chuyển đổi Tết theo nông lịch truyền thống sang Tết Nguyên đán là xu thế mang tính lịch sử theo đà phát triển của cuộc sống, của sự tiến bộ của văn – xã và sự phổ biến của tôn giáo đã làm cho nội dung của lễ Tết cũng được tích hợp thêm nhiều tập tục mới và càng phát triển theo hướng hiện đại, nghiêng dần về hoạt động giao lưu vui chơi, giải trí, văn hóa; từ dựng nêu, dán bùa, đốt pháo đã dần chuyển sang viết câu đối, vẽ tranh, chúc tụng, cầu mong phúc lộc thọ khang minh, cát tường như ý, thành đạt, phát tài..

Có thể nói, Tết là lễ hội với nhiều chức năng, nội dung như tế tự trời đất, thần linh, tổ tiên cùng với việc trừ tà, trấn trạch, cầu an và đồng thời cũng là dịp đoàn viên gia đình tụ hội ăn uống, vui chơi, giải trí, thăm viếng, cầu mong mưa thuận, gió hòa, chúc tụng những điều tốt đẹp nhất được đến trong năm mới.

Tết là một chuỗi nghi lễ bao gồm lễ tất niên, chung niên (cuối năm), lễ đón mừng năm mới.

1.Lễ Tiễn Ông Táo Một trong những lễ thức quan trọng vào cuối năm là Lễ Tiễn Ông Táo về trời:
Hai ba Ông Táo về trời
Bình vôi ở lại chịu lời đắng cay.
Lễ tiễn Ông Táo, gội nôm na là lễ Cúng Ông Táo; có nơi mọi người đều thờ cúng Ông Táo và Thổ Công nên thường gọi là lễ “Cúng Ông Công – Ông Táo”.
Ông Táo còn gọi là Táo Quân hay là Vua Bếp được tôn là “Đệ nhất gia chi chủ” (đứng đầu trong tất cả các gia thần) với tôn hiệu là “Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân”; Táo quân đảm trách việc bếp núc lẫn tư mệnh là quản lý sự sống của con người, sinh mệnh của các thành viên trong gia đình, giúp Trời ban phước hay giáng họa gia chủ; tập tục này khởi đầu từ tín ngưỡng thờ lửa của gia đình, theo đó, ngọn lửa trong Bếp đã đưa con người từ văn hóa “ăn sống nuốt tươi” bước sang thời kỳ văn hóa ” nấu nước chín thức ăn”;
Hữu đức năng ty hỏa
Vô tư khả đạt thiên
(Có đức nên có thể quản lý lửa; do lòng vô tư nên có thể thông đạt với trời),
câu liễn trên thường thấy phần lớn trên linh vị thờ Táo quân thời nay vẫn bảo lưu công năng “ty hỏa” cổ xưa; bên cạnh công năng khác là giám sát công tội của chủ nhà để tâu lên Ngọc Hoàng thượng đế vào dịp lên chầu Trời vào ngày 23 tháng chạp
Bộ ba Ông Táo gồm một Bà Táo (còn gọi là Ông Táo chúa) và hai Ông Táo, vừa là một bộ ba tôn kính vừa tạo nên ba điểm của “thế cân bằng bền” đỡ nồi, nêu, xoong, chảo… không nghiêng lệch, ngã đổ.
Cái Bếp trở nên quan trọng trong đời sống con người, đó không chỉ là nơi đun nấu thức ăn, nuôi mầm sự sống mà còn tượng trưng cho sự quần tụ, sự sống chung, biểu trưng cho mái nhà, cho sự kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho sự tụ họp thân thiết và đặc biệt là nơi giữ gìn ngọn lửa cho gia đình làm cho mọi người gần nhau bởi hơi ấm và ánh sáng của nó.

2. Lễ Chung niên (Tất niên) được tổ chức từ Rằm tháng Chạp đến trước ngày 30 cuối năm, ngày giờ tùy từng gia đình, có gia đình làm nghề thường tổ chức muộn để cúng tạ Tổ sư và gia thần đồng thời cũng là dịp liên hoan chung với thầy thợ trước khi nghỉ Tết. Lễ cúng tạ thần thánh, đất đai viên trạch đã phù hộ cho công việc làm ăn trong năm qua và mong được điều tốt đẹp trong năm đến. Sau lễ gia chủ gửi một miếng thịt heo quay hay một món lễ vật nào đó biếu cho những người thợ và thanh toán những khoản nợ trong năm. Trong khoảng thời gian năm cùng tháng tận lệ xưa là học trò đi Tết thầy học, biếu quà cho thầy thuốc đã giúp chữa lành bệnh trong năm, con cháu đem lễ vật để cúng kiến Tổ tiên ở Từ đường tộc họ; con cháu lớp dưới cũng sắm sửa quà Tết để biếu tặng ông, bà, cha, mẹ và các bậc tôn trưởng để tỏ lòng tôn kính và tình nghĩa thân thiết; ngoài ra còn mở rộng ra các mối quan hệ xã hội khác và việc biếu tặng này đôi lúc cũng vượt khỏi phạm vi tình nghĩa trở thành tục lệ không tốt.

3. Lễ Tảo mộ: Cuối năm thường lo tỉnh tảo, bồi đắp phần mộ tổ tiên, đó là vâng theo quốc điển, bởi vị gần Tết Nguyên đán nhà cửa mọi người còn ưng chỉnh sửa cho đàng hoàng, huống chi lẽ con cháu thờ người chết cũng như thờ người sống đâu có lẽ để cây cối rậm rạp, mồ mã khuyết lở mà không lo đắp sửa, dẫy dọn; ở Trung Hoa có Lễ Thanh minh tế tảo thì ở nước ta làm Lễ Tảo mộ trong tháng Chạp cũng rất phải nghĩa.

4. Tất niên Rước Ông bà: Việc tế tự tổ tiên trong Tết Nguyên đán khởi đề từ Lễ Rước Ông bà vào ngày cuối năm, theo Gia lễ của Nho giáo tập thờ tự Tổ tiên chủ vào 4 đời tính từ thế hệ của người đảm nhận việc thờ tự của từng gia tộc. Việc tế tự Tổ tiên để bày tỏ lòng tôn kính “báo bản tư nguyên” còn cầu linh hồn ban phước giúp gia đình, gia tộc hưng thịnh, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, việc làm, học hành, thi cử đều đạt được hanh thông. Khi tế lễ tất cả cửa lớn, cửa sổ đều mở toang, người đốt nhang, trẻ con mặc đồ mới tươm tất, mặt mày hớn hở; chủ nhà, con trai trưởng hay người lớn tuổi mặc lễ phục, giữ vẻ tươi tắn, trang nghiêm đứng ra hành lễ. Khi lễ vật được bày lên đâu vào đó, chủ lễ thắp nhang, đôi đèn sáp, lễ lạy 4 lạy, lạy xong chiếc tửu, đốt trầm; con cháu lần lược lễ bái tổ tiên; chủ lễ đứng hầu bên bàn thờ, thỉnh thoảng châm thêm rượu vào chung, cốt đủ ba tuần; khi nhang tàn, chủ lễ rót trà và lễ bái tạ. Kể từ đó đến lễ Tiễn Ông bà vào ngày mùng 4 Tết, tổ tiên hiện diện cùng gia quyến ở đây.

5.Cúng giao thừa: Tháng Giêng còn gọi là tháng “tam dương khai thái” khởi đấu cho sự thăng thế của dương khí, đây là thời điểm thiêng với nghĩa “tống cựu nghinh tân” tức là đón cái mới, cái tốt và trừ bỏ cái xấu cũ; vì thế các nghi thức cúng tiễn được diễn ra trước Tết như tiễn Táo, sau đó là Tiễn Phật, Tiễn Thần để đến 30 đón Táo, đoán Thần, đón Phật; đón Táo đi liền với gầy lửa mới; đón Phật đi liền với đón Hành Khiển – Hành Binh trong năm mới và cũng có nghĩa là đón các vị thần thờ tự đảm nhận việc bảo hộ trong niên mới. Khoảnh khắc đêm 30 rạng ngày mùng một là thời điểm giao thừa: cũ giao lại mới tiếp lấy, nên đây là thời điểm thiêng để trừ tiệt cái cũ mang điềm xấu, tà ma, quỷ mị, đón tiếp điều may mắn, tốt lành, cuộc sống an khang thịnh vượng

6.Ba ngày Tết, bảy ngày xuân
+ Nguyên đán
Sáng Mùng Một, trước tiên là cúng tổ tiên hay còn gọi là Lễ Nguyên đán, lễ vật thường gồm các loại món vật thực, bánh mức, cúng xong tiếp khách, đi chùa, viếng mộ tổ tiên, đi thắp hương từ đường, nhà thờ, thăm viếng, mừng tuổi ông bà, cha mẹ bên nội, bên ngoại. Con cháu mừng tuổi Ông bà, kính chúc ông, bà, cha, mẹ bách niên giai lão. Trẻ con được ông bà, cha mẹ cho tiền gọi là tiền mừng tuổi được đựng trong bao lụa màu đỏ, sau này phổ biển gọi là tiền “lì xì” (Hán Việt là Lợi thị) ngụ ý những lời chúc mừng ” cát tường như ý
Tực ngữ có câu:
Mùng Một Tết Cha
Mùng Hai Tết Mẹ
Mùng Ba Tết Thầy
Tết cha là đi lại chúc Tết họ hàng bên nội, mùng Hai là ngày đi chúc Tết họ hàng bên ngoại, họ hàng của mẹ; người đã lập gia đình thì chúc Tết họ hàng bên nhà vợ cũng vào ngày này. Còn Mùng Ba đi chúc Tết Thầy, trước hết là Thầy học, thêm vào đó là Thầy thuốc đã giúp đỡ cho mình hay thân nhân mình trong năm qua.
Mâm cổ Tết: Trước là để dâng cúng thiên thần, địa kỳ, tiên tổ… sau đó là dùng để ăn Tết như là bữa ăn đoàn viên gia đình, khoản đãi bà con thân tộc, bạn bè khách đến chơi Tết, mâm cổ Tết có tính trang nghiêm đặc biệt. Cúng phẩm phổ biến và quan trọng hàng đầu là bánh chưng, bánh dày, bánh tét, cốm và vật phẩm thổ sản của từng vùng, miền…
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh

+ Vào khem: Vào khem là bắt đầu tuân thủ những điều cấm kỵ, những việc kiêng khem vào đầu năm mới. Theo phong tục tập quán ở Nam Kỳ, thế kỷ XX thì thời điểm vào khem bắt đầu sau Lễ Rước Ông bà và dựng nêu, tức suốt đêm 30 đến mùng Một cho đến khi có người khách xông đất/ đạp đất đầu năm. Trong thời gian đó tất cả mọi người đều ở trong nhà, giữ hòa khí, riêng trẻ con được dặn dò phải ngoan ngoãn để có được một năm mới tốt lành. Tục kiêng kỵ ở Miền Bắc và Miền Trung có phần tương tự nhau như:
* Kiêng quét nhà vì sợ thần của cải theo rác đi mất;
* Kiêng chửi mắng, la rầy con cái cốt để cả năm gia đình yên ổn, thuận hòa;
* Kiêng mặc áo trắng vì sợ có tang tóc;
* Kiêng nói điều xấu thô tục, không nhắc đến chuyện chết chóc, bệnh tật;
* Kiêng cho lửa e làm mất đi vận may của gia đình;
* Kiêng làm vỡ bát đĩa;
* Những người chịu tang không đi chúc Tết nhà người khác;
* Kiêng không để đèn dầu trên bàn thờ mà hết dầu lụi tắt
Mọi kiêng kỵ cốt tạo nên điều tốt lành vào ngày đầu năm và cho đó là khởi điểm cát tường cho cả năm đến.
+ Tục Xông đất
+ Chọn hướng xuất hành
+ Hái lộc và xin lộc
+ Hóa vàng, Tiễn Ông bà