Lễ là nền tảng xã hội, là văn hóa căn bản của mọi giao tế nhân sinh. Một số người, nhất là giới trẻ cho rằng đó là những ràng buộc gia đình mang tính cổ hủ hoặc là những lễ nghi xưa cũ, phiền phức, chẳng hợp thời cũng chẳng nên noi theo, cũng có người cho rằng đó là những lễ nghi của Tàu, nên bỏ đi. Những quan điểm trên không sai nhưng cũng cần xét lại. Trong thời đại mới, với những tư tưởng mới, sáng tạo mới và nếp sống mới nhằm đáp ứng kịp thời cho nổ lực thăng tiến của đời sống con người. Vì thế, cũng cần có sáng tạo trong nhận thức và thực hiện những lễ nghi nhằm giúp cho gia đình tộc họ mình có một phong cách sống xứng đáng với sự giáo dưỡng tốt đẹp từ trong gia đình, mở rộng ra đến sự giao lưu tiếp xúc với xã hội, tạo ra môi trường với nền văn hóa lành mạnh hướng đến CHÂN, THIỆN, MỸ.
thông thường người chuẩn mực, có đạo đức là nội dung bên trong còn hành Lễ cung kính, khiêm nhường là hình thức biểu hiện bên ngoài. Thực tế từ xưa đến nay đã chứng minh rằng: Chỉ có những người nào hấp thụ được truyền thống giáo dục gia đình có giáo dưỡng, nề nếp quy cũ, biết tôn trọng lễ nghĩa gia đình, dòng họ thì mới có thể là những người biết trọng danh dự, sống có kỷ cương, chu toàn gia đình, giữ được trọng trách xã hội giao cho với trách nhiệm ngày càng lớn.
học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần có nhận định: “Lễ theo Á Đông, chẳng những có ý nghĩa là tự trị, tự chủ mà còn có ý nghĩa là Nhân nữa. Nếu có thể nói tắt một lời thì có thể nói: Tất cả thuật xử thế của người Á Đông, đều ở trong một chữ Lễ”
Thường nhật, khi còn trẻ nhỏ trong nhà cũng đã biết “đi phải thưa về phải trình”, cung kính nội ngoại, biết anh, em, lớn nhỏ mà nhường nhịn lẫn nhau; ra đường biết chào hỏi người lớn, kính trên nhường dưới, biết ngồi, đứng chỗ nào cho thích hợp, ăn nói phải nể nang và có lòng tự trọng; tránh hành vi, lời nói xúc phạm người khác.
Ứng xử, giao tế ngoài xã hội cũng đã bắt nguồn, xuất phát từ hành vi giao tiếp trong từng gia đình. Đơn thuần gia đình một vợ, một chồng sống chung trong một nếp nhà với những người con thường chưa đến tuổi trưởng thành; nhiều người còn có cha mẹ ở chung; cũng có những gia đình trên cha mẹ lại còn ông bà sống chung một nhà kể đến hàng con là bốn đời. Đặc biệt nữa là những gia đình còn có hàng cụ (sinh ra ông bà) kể đến hàng con cuối cùng là năm đời gọi là “Ngũ đại đồng đường” năm đời cùng nhà; đây là trường hợp ít có và được coi là phúc đức lắm; Đạo làm con cháu sống chung và ứng xử cùng với ông bà, cụ kỵ cũng là việc không phải dễ.
Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) có lệ: Gia đình nào có năm đời ở chung một nhà thì được vua ban thưởng 20 lạng bạc, 20 tấm vải, 10 tấm lụa, đoạn 01 tấm; đồng thời trích 10 lạng bạc nêu trên để quan sở tại dựng một cái phường (nhà vuông nhỏ), chế một cái biển khắc 4 chữ : “Dịch diệp diễn tường” (Mấy đời liên tiếp hưởng sự tốt lành) treo ngang cao để nêu rõ sự khen thưởng.
Chắc không phải ngẫu nhiên mà Vua Minh Mệnh có lệ ban thưởng đối với gia đình có năm đời chung một nhà như trên. Đây có lẽ là nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, ngày xưa đã hiếm, ngày nay chắc càng khó và hiếm hơn.
Một gia đình tốt sẽ góp phần xây dựng xã hội tốt; lễ nghĩa trong gia đình giống như vun trồng, chăm bón làm cho cây gốc vững vàng, cành lá có xum xuê, tươi tốt thì mới có nhiều hoa thơm, trái ngọt cho đời mãi mãi xinh tươi.
Phản hồi gần đây