Trong tế tự, thờ cúng quan trọng nhất là phải tỏ lòng thành tâm và tôn kính. Lệ thường người ta làm giỗ lớn đối với bậc sinh thành, cũng theo tục lệ cho dầu có làm tiệc lớn mấy đi chăng nữa thì bữa cúng phải có chén cơm xới đầy có ngọn, úp lồng một cái chén khác lên trên, gọi là chén cơm lồng cùng trứng gà luộc đã bóc vỏ dẹt ra trên đĩa với ít hột muối; vì thế mới có tên cúng giỗ là “cúng cơm”.
Những gia đình sung túc thường làm lễ tiên thường vào ngày hôm trước để cáo yết tiên tổ và cáo tri người được làm giỗ; lễ cúng này vào buổi chiều. Nhiều nhà có hương hỏa, lợi nhuận hay kỵ điền để làm giỗ thì anh em, bà con thân thích đến cúng tiên thường xong, đêm ở lại chầu chực gia tiên để qua ngày hôm sau làm lễ bái chính giỗ.
Trên bàn thờ đèn nhang được thắp đốt cùng với mâm cỗ cũng được bày lên; gia trưởng phục sức chỉnh tề, soát xét lại đầy đủ các lễ vật, bước đến trước bàn thờ (chiếu trải) lễ bốn lạy, quỳ xuống, hai tay chắp lại vòng lên ngang trán. Một trong hai người chấp sự, thường là em hay con cháu, đứng hai bên bàn thờ, lấy ba nén hương châm lửa thắp, đưa cho gia trưởng cầm vái một vái rồi trao lại đem cắm lên bát hương; người chấp sự thứ hai mở nút bình rượu, rót rượu vào ba cái chén để trên đài xong đâu đó rồi gia trưởng làm lễ khấn vái.
Khi khấn người chết, người ta phải khấn thầm rất khẽ trong miệng để tỏ lòng mình kính trọng; lúc khấn cần khấn hết tên tục, tên hiệu, tên hèm của người được giỗ. Tên tục là tên lúc còn sống, tên hiệu là biệt hiệu, tên hèm là tên thụy được đặt lúc hấp hối để khi cúng cơm thì khấn; khi khấn giỗ, con cháu cần phân biệt các hàng kỵ, cụ, ông bà cha, mẹ: Đàn ông khấn chữ “khảo”, đàn bà khấn chữ “tỷ”.
Hệ thống gia tộc gồm:
Hai cụ tổ xa nhất: Đàn ông gọi là Viên tổ khảo; đàn bà: Viên tổ tỷ
Tổ ông, tổ bà năm đời đối với người khẩn: Đàn ông gọi là Cao tằng tổ khảo, đàn bà gọi là Cao tằng tổ tỷ.
Cụ ông, cụ bà tổ 4 đời: Đàn ông gọi là Tằng tổ khảo, đàn bà gọi là Tằng tổ tỷ.
Ông bà nội: Đàn ông gọi là Tổ khảo, đàn bà gọi là Tổ tỷ.
Cha mẹ: Đàn ông gọi là Hiển khảo, đàn bà gọi là Hiển tỷ.

Văn khấn thông thường gồm có ba phần:

Khấn xong, gia trưởng cúi xuống, lễ nốt một nữa lạy nữa để đứng lên rồi vái ba vái và lùi ra. Tiếp sau đó là những người trong tộc họ, theo thứ tự quan trọng và hạng bậc làm lễ trước bàn thờ với bốn lạy, ba vái. Những khách khứa cùng bà con thân thích, trước khi ngồi vào bàn, ván ăn giỗ phải làm lễ dâng cúng với lễ vật mình đem tới và lạy trước bàn thờ vong linh.
Nếu là tế lễ thì theo tục lệ tế lễ thần thánh, tế tổ tiên… có các nghi tiết được sắp xếp một cách quy cũ, trang trọng. Trước bàn thờ chính có trãi 4 chiếc chiếu. Hai bên chiếu trải, bên phải bàn thờ có áng để rượu và đèn nến, bên trái có áng để đài rượu, khay trà; nghi tiết đầy đủ được áp dụng trong cuộc lễ tế lớn của làng hay gia đình, có thủ tục đại cương ghi theo thứ tự của lời xướng lễ như sau;
1. Thành Tế Thánh đại lễ, chấp sự giả các tư kỳ sự (Bắt đầu tế Thánh, các vị chấp sự phải liệu việc của mình)
2. Khởi chung cổ (Đánh chuông trống, thường là 3 hồi)
3. Nhạc công tấu nhạc (Phường bát âm cử nhạc)
4. Thuế cân, nghệ quán tẩy sơ (Các vị dự tế rửa tay, lau tay)
5. Chánh tế viên tựu vị (Vị chánh tế vào đứng ở chiếu thứ 3)
6. Bồi tế viên tựu vị (Các vị bối tế vào chiếu thứ 4)
7. Củ soát tế vật (Hai người chấp sự cầm đèn đưa cho vị chánh tế đi kiểm soát các lễ vật coi có sơ suất gì không)
8. Tham thần cúc cung bái (Chủ tế và bồi bái lạy 4 lạy theo nhịp xướng của người xướng tế: hưng là đứng dậy, bái là lạy theo lối phủ phục toàn thân)
9. Hành sơ hiến lễ. Chánh tế viên nghệ hương án tiền (Làm lễ sơ hiện, vị chánh tế bước ra ngoài, vòng lên chiếu thứ nhất trước hương án)
10. Quỵ (Vị chánh tế quì xuống)
11. Tiến tước (Hai chấp sự đem rượu đến quỳ cạnh chủ tế cho chủ tế rót; chủ tế rót rồi đưa cho chấp sự để lên bàn thờ)
12. Phủ phục, hưng bái (chủ tế khấu đầu lạy 02 lạy)
13. Bình thân, phục vị ( Chủ tế đi ra vòng xuống đứng lại ở chiếu thứ 3)
14. Nghệ độc chúc sở tại hương án tiền (Chủ tế bước lên chiếu thứ nhất
15. Quỵ (Chủ tế quỳ xuống)
16. Chuyển chúc (Hai chấp sự lên bàn thờ đem chúc xuống quỳ bên chánh tế)
17. Tuyên đọc (Người đọc chúc quỳ bên cạnh tuyên đọc chúc)
18. Phủ phục, hưng bái (chủ tế khấu đầu lạy 02 lạy)
19. Bình thân, phục vị (Chủ tế về chỗ cũ)
20. Hành Á hiến lễ nghệ hương án tiền (Dâng rượu lần thứ 2 như lần sơ hiến)
21. Phủ phục, hưng bái (chủ tế khấu đầu lạy 02 lạy)
22. Bình thân, phục vị (Chủ tế về chỗ cũ)
23. Hành chung hiến lễ nghệ hương án tiền (Dâng rượu lần thứ 3)
24. Bình thân, phục vị (Chủ tế về chỗ cũ)
25. Nghệ tô sở (Chủ tế lên chiếu thứ 2 chờ lễ Tộ sở)
26. Quỵ (Chủ tế quỳ xuống)
27. Tứ Phúc tộ ( Chấp sự lên bàn thờ lấy khay rượu thịt được thần hay gia tiên ban cho chủ tế)
28. Thu tộ ( Chấp sự đưa khay cho chủ tế, chủ tế đón nhận uống một hớp rượu tượng trưng). Khay rượu thịt cho chủ tế mang về khi tế xong
29. Phủ phục, hưng bái (chủ tế khấu đầu lạy 02 lạy)
30. Bình thân, phục vị (Chủ tế về chỗ cũ ở chiếu thứ 3)
31. Bình thân, điểm trà (Chấp sự dâng trà lên bàn thờ)
32. Hành tạ lễ cúc cung bái (Chủ tế và bồi tế lễ tạ 4 lễ)
33. Bình thân phần chúc (Chủ tế và bồi tế đứng lui ra để người chấp sự đốt sớ)
34. Lễ tất (Xong lễ mỗi người vái 3 vái)
Trong lễ có mấy điều chú ý sau:
Khi người chủ tế di chuyển đổi chỗ trên các chiếu, từ chiếu dưới lên chiếu trên phải đi ra khỏi chiếu rồi bước lên về phía bên phải của mình và khi trở xuống cũng phải bước ra khỏi chiếu về phía bên trái của mình tức là bên phải của bàn thờ chính.
Khi đốt sớ, mọi người dự tế đều phải đứng quay mặt và ngó vào chỗ đốt sớ.

(Theo Gia lễ xưa và nay của Phạm Côn Sơn)