Gia lễ hiểu một cách đơn giản là những lễ nghi theo tập tục gia đình. Nghi thức này có nhiều loại theo diễn biến hoạt động của gia đình, được thực hiện qua sinh hoạt thường ngày, hoặc được cử hành định kỳ trong năm như giỗ, tết…cũng có khi có biến cố trong đời sống con người như: hôn nhân, tang chế, tế lễ…

Khi đôi trai gái kết duyên trăm năm với nhau gọi là hôn nhân; hôn nhân diễn tả sự kết hợp chung sống của trai và gái. Trước kia người ta còn gọi là Giá thú; giá có nghĩa là gả chồng, thú là cưới vợ; giá thú nói chung là chuyện dựng vợ gả chồng cho trai gái.


Trong thời Pháp thuộc, tờ Giá thú là giấy chứng nhận kết hôn do chính quyền sở tại cấp, thường là làng xã. Về sau, vào thập niên 50, tờ chứng nhận có tính pháp lý này gọi là Giấy hôn thú, và giờ đây là Giấy đăng ký kết hôn, do UBND phường, xã chứng nhận. Chỉ khi nào hôn nhân của đôi nam nữ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì hôn nhân mới hợp pháp. Hôn nhân mà không đăng ký kết hôn, hoặc người đã có vợ, có chồng mà chung sống với người khác như vợ, như chồng đều là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục.


Luật Hôn nhân & Gia đình số 52/2014/QH13, được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 19/06/2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 quy định nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bị mất năng lực hành vi dân sự, không bị cưỡng ép, lừa dối mà kết hôn.


Người xưa đặt ra nhiều lễ nghi trang trọng để gây ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm của đôi vợ chồng cùng với nhiều nghi thức thiêng liêng nhằm mục đích ràng buộc ý thức trách nhiệm với nhau về tinh thần, đây là thời kỳ mà đời sống con người chưa nằm trong vòng kiềm tỏa che chở của pháp luật. ” Văn Công gia lễ” do Chu Hi, đời Tống biên soạn với “Lục lễ” mà không hoàn tất thì người con gái trinh nguyên không ra khỏi nhà; giới sĩ phu, quan lại, nhà giàu ở nước ta cũng noi theo tinh thần ấy. Lục lễ đó là:


1. NẠP THÁI ( Lễ chạm ngõ, xem mặt): Hôn phối của trai giá bắt đầu từ chuyện “bắt mối” của mai dong, bắt nhịp cầu làm cho hai họ bằng lòng với nhau rồi đàng trai sắm lễ mọn đến nhà đàng gái nhận lời hỏi cưới con gái nhà ấy. Tuy là lễ nhưng sơ sài nhà trai đưa sang nhà gái vài bao trà, ít trầu cau để bắt đầu câu chuyện. Trong khi hai bên trò chuyện nhà gái kín đáo cho cô gái mà bên nhà trai ướm hỏi ra chào khách, thường ra mời trầu nước, cô gái xuất hiện một lần rồi lui về buồn riêng. Đó cũng là dịp chú rễ và cô dâu tương lại gặp mặt nhau. Thực chất của Lễ này là nhà trai xem gia cảnh, gia phong của nhà gái. Nhà gái bằng lòng nhận Lễ là đã đồng ý, tuy nhiên Lễ này không có ràng buộc hai bên.

2. VẤN DANH (Hỏi họ, tên): Đàng nhà trai chọn ngày lành tháng tốt, nhờ người mai dong đem trầu cau rượu đến nhà gái để hỏi tên tuổi cùng ngày sinh, tháng đẻ của người con gái muốn cưới.

3. NẠP CÁT (Lễ ăn hỏi, đính hôn): Nhà trai đã coi được quẻ tốt về hôn nhân của đôi trai gái, rồi chọn ngày lành tháng tốt làm lễ trước bàn thờ tổ tiên rằng hai tuổi của đôi trẻ đã hợp, có thể thành hôn được. Sau đó nhà trai đưa lễ vật tương trưng ( có thể buồng cau, rượu trắng, bánh cốm, xu xê… ( hình vuông tượng trương cho âm, hình tròn tượng trưng cho dương, cũng biểu thị cho nam và nữ, trời và đất dung hòa, hòa hợp nhau)) và thông báo cho nhà gái biết. Tráp quả đựng lễ được phủ vải điều hoặc khăn đỏ do các chàng trai trẻ, trang phục chỉnh tề, mang tráp quả sang nhà gái. Bên nhà trai thường hỏi ý kiến bên nhà gái chi tiết cụ thể và số lễ vật. Lễ đặt tượng trưng lên bàn thờ nhà gái, khi nhà trai ra về nhà gái thu xếp trả lại tất cả các tráp quả đựng lễ vật và trong mỗi tráp quả để lại mỗi thứ một ít, gọi là <lại quả> cho nhà trai. Người dẫn lễ ngày xưa thường có bà mối, mẹ hoặc cha chú rể, cũng có thể là chú, bác, những người có tư cách đại diện cho cha mẹ chú rể. Lễ ăn hỏi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định hôn nhân. Bên nhà gái thường mời bà con thân cận nhà gái đến dự và mời cơm thâm mật với nhà trai. Sau lễ ăn hỏi nhà gái chia quà biếu cho họ hàng, bạn bè, xóm giềng như để thông báo chính thức với mọi người rằng: con gái tôi đã đính hôn, con gái tôi sắp đi lấy chồng. Sau lễ ăn hỏi chàng rể được thừa nhận như con cái trong nhà; phải thường xuyên thăm hỏi gia đình bên nhà gái ( bên vợ tương lai), săn sóc khi có người nhà ốm đau, giúp việc khi nhà nhà có công việc, coi như việc nhà mình. Các nhà nho xưa gọi chàng rể lúc này là : bán tử chi tình ( tình cảm như nữa con trai). Sau khi nhận lễ hỏi phải chọn ngày cưới.


4. THỈNH KỲ: Đây là lễ mà nhà trai xin, hứa cưới và thông báo cho nhà gái một số ngày giờ để xin nhà gái lựa và quyết định ngày thích hợp.


5. NẠP TỆ: Đưa sính lễ tới nhà gái. Ngoài những lễ vật như trà, rượu, bánh, nữ trang cho cô dâu tương lại còn có trầu cau, đèn (nến) đỏ có chạm nắm long phụng, cùng một số tiền mặt, tiền này là tiền đưa cho nhà gái đi chợ, nấu nướng đãi đằng thân bằng quyến thuộc và họ nhà trai khi sang cử hành lễ cưới và mua sắm thêm vật dụng cần thiết cho cô dâu mà họ đang trai không thể mua sắm được.


6. THÂN NGHINH: Lễ rước dâu về nhà trai.

Hôn nhân là chuyện hệ trọng của đời người và luôn được sự quan tâm đặc biệt của gia đình, họ tộc 2 bên, ngay từ lúc bắt đầu quen nhau của đôi nam nữ.
Lục lễ đã từ lâu được cải tiến trong xã hội Việt Nam còn các Lễ như sau:


1. LỄ DẠM: Tức là chạm ngõ, đây là cách diễn đạt của nghi thức Nạp thái.Lễ dạm ngõ ngày nay, chỉ là buổi gặp gỡ giữa 2 gia đình, nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam, nữ được tự do đi lại, tiếp tục quá trình tiềm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Buổi lễ này, không cần lễ vật rườm rà, chỉ nên đơn giản có nước trà, một chút kẹo bánh, hoa quả cho phần vui vẻ, không nên bày tiệc ăn uống trong lễ này. Có nơi gia đình và đôi nam nữ đã quen biết nhau rồi thì không nhất thiết phải tiến hành lễ này.


2. LỄ HỎI: Đây là lễ quan trọng thể hiện sự trân trọng và chín muồi trong quá trình tiến tới hôn nhân; đôi nam nữ đã có sự tìm hiểu nhau một cách kỹ càng, cảm thấy phù hợp với nhau về mọi mặt (cách sống, tình cảm, tâm lý, sức khỏe…) thật sự yêu nhau, quý mến nhau, thấy có trách nhiệm với nhau trong việc tạo hạnh phúc gia đình của nhau. gồm lễ vấn danh (xin lộc mệnh của của cô dâu), nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ (xin cưới và định, chọn ngày cưới); lễ vật thường là trà, rượu, bánh, trầu câu, những cặp bánh thường dùng là bánh xu xê (tượng trung cho âm) và bánh cốm (tương trưng cho dương) hoặc bánh chưng (vuông là âm), bánh dày (tròn là dương) kèm theo quả nem; được đựng trong hộp màu đỏ, màu chỉ đỏ chỉ sự vui mừng. Những đồ lễ ăn hỏi của nhà trai mang tới, được đặt ngay ngắn trên trên bàn ở phông chính của căn phòng, nhà gái đặt một số ít lên bàn thờ gia tiên; khi lễ hỏi xong, bánh trái, cau được “lại quả” cho nhà trai một ít, còn nhà gái dùng để chia cho họ hàng, thân bằng cố hữu (chia theo số chẳn nhưng kiêng hai quả mà từ bốn trở lên) nhằm báo tin là con mình đã đính hôn. Kể từ ngày ăn hỏi đôi trai gái nghiễm nhiên thành vợ chồng chưa cưới.


3. LỄ RƯỚC DÂU: hay vu quy đối với nhà gái, tức là lễ sau cùng thân nghinh trong Lục lễ. Nhà trai mang lễ vật rình rang tới nhà gái, làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, rồi rước cô dâu về nhà chồng. Đây là lễ cưới chính ở nhà gái và nhà trai như sau:

NGHI LỄ VU QUY Ở BÊN HỌ NHÀ GÁI

  1. Họ nhà gái mời nhà trai vào nhà; Giới thiệu thành phần hai họ
  2. Nhà trai trình lễ cưới
    Các chú rễ phụ và những người phụ bưng lễ đứng thành hàng lần lược trao mâm quả tráp lễ vật của nhà trai (có thể các thiếu nữ bên nhà gái nhận) đặt đồ lễ lên bàn thờ (bàn trước bàn thờ). Nhà trai có đôi lời trình lễ vật : gồm có những thứ gì.
  3. Nhà gái công khai đón nhận lễ cưới
    Người chủ hôn nhà gái xin phép mở tráp hay khăn đỏ ngay sau lời mở đầu buổi lễ
  4. Chú rễ, cô dâu bái gia tiên: Bố hoặc anh, em trai cô dâu đốt thắp hương
    Chú rễ vào bàn thờ gia tiên nhà vợ bốn lễ rưỡi, sau đó cô dâu cũng lễ theo
  5. Lễ mừng bố mẹ vợ ( thường được cha mẹ hỉ xả, cho miễn để tỏ lòng thương yêu, rộng lượng)
  6. Nhà gái trao quà cưới (Trong đó, có cho lại vợ chồng số tiền mà họ nhà trai trao cho nhà gái khi trình lễ vật).
  7. Tiệc mừng của nhà gái mời nhà trai

Họ nhà trai ngồi lại đến lúc đến giờ tốt, cụ chủ hôn nhà trai xin với nhà gái cho rước dâu. Bà mẹ cô dâu trước khi cô dâu ra đi thường gọi vào phòng riêng dặn dò thêm mấy điều cần thiết, dúi cho một số tiền để phòng hờ sau này tiêu dùng ở nhà chồng và cẩn thận dúi vào áo cô dâu chín chiếc kim khâu để trừ tà và tác dụng của kim khâu trong buổi động phòng hoa chúc. Kim này giống như cái cài trâm tóc theo quan niệm của người Hoa xưa có thể dùng để trị chứng “ Thượng mã phong” một bất trắc trong việc phòng sự người đàn ông quá say mà mắc phải. Nếu người chồng mắc chứng này, mặc mày trắng trợn, ngưng động khi hành sự thì người vợ không nên hốt hoảng mà xô lật người chồng thì người chồng sẽ chết ngay, mà phải bình tỉnh lấy trâm cài tóc hay kim nhọn mà châm vào đốt xương khu thuộc trung tâm thần kinh khích dục để giải tỏa sự tắc nghẽn của hệ thống thần kinh, cho máu lưu thông trở lại; làm như vậy người chồng sẽ hết và trở lại được điều hòa.
Có địa phương từ Miền Bắc vô Miền Trung, khi đưa dâu ba mẹ cô dâu không đi theo, vì để tránh nổi buồn chia cách nên phải nhờ người thân trong tộc đưa thay; ở Miền Nam các bậc cha mẹ không câu nệ, có tinh thần phóng khoáng hơn, vì quan niệm lễ cưới là ngày vui của hai gia đình nên đều tham dự đưa rước. (Theo Gia lễ Xưa và nay của Phạm Côn Sơn, Nhà xuất bản thanh niên)

LỄ THÀNH HÔN Ở BÊN HỌ NHÀ TRAI

  1. Cô dâu vào lễ gia tiên nhà chồng. Bàn thờ thiết lập trung thiên, bày lư hương nến hay đèn, (tế vật nếu có là xôi gà, trầu rượu); cô dâu chú rễ vào đứng hàng ngang trên chiếu trải lạy bốn lạy, chấp sự rót rượu, cô dâu chú rễ vái 3 vái.
  2. Lễ tơ hồng; sinh thành: Cô dâu chú rễ lễ bốn lễ rưỡi; sau đó uống chung một ly rượu đã đặt sẳn trên bàn thờ Lễ tơ hồng; uống chung ly rượu hồng từ nay hai người sẽ là một, sẽ sống cùng nhau tới bạc đầu răng long; Lễ sinh thành (có nơi bỏ qua lễ này) để bày tỏ công ơn sinh thành, dưỡng dục của ba, mẹ, cô dâu chú rễ; cô dâu mừng lễ bố mẹ chồng, nếu ông bà còn sống thì mừng lễ ông bà cụ trước bố mẹ chồng.
  3. Nhà trai tặng quà cho cô dâu, chú rễ thường nói chúc mừng hạnh phúc và cho một ít làm vốn.
  4. Tiệc mừng của họ nhà trai

Hôn lễ Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Chu Công lục lễ, về sau cải thiện dần theo phong tục tập quán và văn hóa riêng của người Việt; hôn lễ người Việt thiên về xã hội tính, dành nhiều sự vui mừng, thoải mái, vun đắp hạnh phúc cho đôi trai gái hơn, tùy theo hoàn cảnh mà chọn nghi thức phù hợp; câu chuyện kết thông gia cũng không vì thế mà nặng nề, câu nệ theo phép tắc, giáo điều, làm ảnh hưởng đến duyên phận, hạnh phúc của con cái.
Người xưa tránh lễ nghinh hôn trong thời kỳ có tang hoặc bên trai, bên gái; khi có tang phải đợi mãn tang. Thời gian chờ đợi lâu nên có trường hợp phải làm lễ cưới gấp rút để “chạy tang” thường là lễ cưới cử hành ngay khi người bệnh (ông bà, nội ngoại cha mẹ đôi bên) đang hấp hối hay là lễ cưới trước khi phát tang. Đây là trường hợp bất đắc dĩ mà tục lệ nước ta cho phép.
Hôn nhân là việc quan trọng hàng đầu và trước tiên của một đời người; trai gái lấy nhau vì yêu nhau, tự nguyện chung sống với nhau trọn đời thì phải cảm thông với nhau, thương yêu, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau, lấy niềm vui, hạnh phúc để vun trồng nòi giống, nối dõi đời sau như người xưa đã minh định: “Phối thất chi tế, vạn phúc chi nguyên“, nghĩa là Việc hôn nhân là gốc của muôn hạnh phúc. Mỗi người khi lập gia đình phải biết trân trọng và gìn giữ hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình và xã hội./.

(Theo Gia lễ xưa và nay của Pham Côn Sơn)