Tổ tiên Tộc Đặng Văn Non Nước, từ Đô Lương, di ngụ Non Nước Ngũ Hành Sơn, lấy từ tâm mở lối, lấy nhân ái khơi dòng, con cháu kế thừa cơ nghiệp cha ông, khiến tộc họ ngày càng thịnh đạt.
Người xưa có câu: “Phàm sự lưu nhân tình, hậu lai hảo tương kiến”. Làm bất cứ điều gì cũng phải để lại cái tình để ngày mai gặp nhau “Trung hậu giữ gia thanh”. Trung hậu là cách xử lý đầy đặn, lấy nghĩa nhân đối xử với đời, nếp nhà dựng gầy, tiếng thơm lan truyền từ đấy. Trong 3 đức tính của người quân tử là: lập đức, lập công, lập ngôn thì lập đức là hàng đầu.
Sách “Đặng dịch trai ngôn hành lục” (lời nói và việc làm của cha tôi) của Đặng Huy Trứ chép rằng: “Cụ Đặng Văn Trọng ngồi dạy học có một người theo đạo Gia tô đến xin học; lúc đó Nhà nước (Triều vua Tự Đức) cấm đạo Gia tô nên các học trò ngần ngại, ngăn thầy không nhận, thì cụ ân cần bảo: “ Dạy người không phân biệt; kẻ kia là tà giáo nay muốn đến cửa khổng sân trình thế là người từ cửa hang tối muốn leo lên cây cao, người đồ tể mà xin đến lễ Phật, gái đĩ mà xin tụng kinh, đó là việc hay vậy,…Đạo Nho ta như núi, như biển; núi cao để mọi người trèo lên, biển rộng để mọi người vượt qua không nên xem khinh, xem trọng một ai”. Nghe lời thầy dạy, các học trò đều rất yên tâm.
Sách “Kiến văn tiểu hoc” của Lê Quý Đôn và “Vũ Trung tuỳ bút” của Phạm Đình Hổ chép lại chuyện nhiều người nhờ làm việc nhân đức mà được thần minh phù trợ, người đời giúp đỡ ngược lại làm những việc trái đạo lý cũng được ân oán phân minh; cùng với Tấm bia “Báo đức bi ký” ở làng Phùng Thiện (xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) kể lại công đức của bà Hậu Ngãi làng Phùng Thiện, khi còn sống làm nhiều việc thiện lấy của mình chia cho người; lấy đức báo đức nên được người đời ghi nhớ lập văn bia để mãi đời sau, con cháu từ đó được hưởng tiếng thơm.
Con cháu hậu duệ chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ tiên tổ giàu lòng đức độ, dày công tích đức, góp trung nghĩa để cho dòng tộc được ngày càng hưng thịnh.
Bình luận gần đây