“Trai thời trung hiếu làm đầu.
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”,
câu thơ trong tác phẩm Lục Vân Tiên cho thấy “trung, hiếu” là một giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt.
Trong gia đạo chữ hiếu là đầu. Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” để nói rằng trong hàng trăm đức hạnh thì chữ hiếu đứng đầu. Hay nói cách khác, hiếu thảo là nền tảng đạo đức, là cái gốc làm người. Hiếu thuận với cha mẹ là cái gốc làm người thiện lương. Đạo hiếu là lửa thiêng hun đúc tinh thần dân tộc.
Hiếu là biết kính trọng thương mến cha mẹ, vâng lời và phụng dưỡng cha mẹ. Tục thường khi cha mẹ còn thì nên ít đi xa; con có thì của ngon vật lạ, biết lưng cơm lành, bát canh ngon để hầu cha mẹ; người ở xa thì gửi đồng quà, tấm bánh về dâng cha mẹ. Con không có thì ân cần thăm hỏi, cốt giữ được lòng chân thành và kính mến là đủ, không nên tỉ mỉ nhỏ nhặt, làm cho cha mẹ phiền lòng.
Mình mong cho cha mẹ vẽ vang thì mình lại càng phải nghĩ cách mà lập thân, học gì, làm gì để làm nên sự nghiệp, có ích cho xã hội tức là đã làm thỏa lòng cha mẹ; đừng để tiếng xấu với xã hội mới làm cho cha mẹ được vẽ vang.
Trong cách phụng dưỡng cha mẹ ngày xưa có việc mừng sinh nhật và ăn mừng thượng thọ. Đến lúc lễ, cha, mẹ ăn mặc đẹp ngồi trên ghế đặt ở gian giữa, con cháu dâng chén rượu mừng thọ hoặc là dâng quả đào gọi là bàn đào chúc thọ (theo vua Hán Đế là ăn đào tiên để được trường thọ); ngày nay con cháu thường mua tặng vật mừng thọ, gọi là đồ dưỡng già như: mền, áo ấm…Trong ngày sinh nhật của cha, mẹ con cháu bày lễ và tiệc ăn mừng, có mời người thân thích đến dự. Lễ thượng thọ có thể bắt đầu từ:
– Lúc 60 tuổi, gọi là thượng thọ lục tuần
– Lúc 70 tuổi, gọi là thượng thọ thất tuần
– Lúc 80 tuổi, gọi là thượng thọ bát tuần
– Lúc 90 tuổi, gọi là thượng thọ cửu tuần
– Lúc 100 tuổi, ăn mừng rất lớn với bách tuế hay bách niên chi lão
Nết hiếu là nết đầu trong luân lý của con người; cha mẹ là người rất thân mà cư xử không ra gì thì ra với xã hội còn tử tế với ai được nữa. Lúc cha mẹ còn sống thì không chăm sóc, đến lúc chết, giỗ chạp thì mâm cao cỗ đầy, chỉ là phù hoa, che mắt thiên hạ, thực là việc sai lầm. Cổ lễ quan niệm rằng việc sinh tử là điều quan hệ nhất trong đời người. Sinh là khởi thủy, tử là chung cuộc của đời người. Vì vậy thủy chung phải trọn vẹn; thủy chung như một; nếu chỉ biết trung hậu với người còn sống mà bạc bẽo với người đã chết cũng không phải đạo.
“Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết
Thời suy ra trăm nết đều nên” Trích : Nhị thập tứ hiếu hiếu diễn âm của Lý Văn Phúc (1785-1849)
Phản hồi gần đây