Phả là cuốn sổ ghi chép rõ nguồn gốc thế thứ các đời và nết tiêu biểu của một nhà, một họ. Nước có quốc sử, nhà có gia phả; sử là gốc của nước, phả là gốc của nhà, nhà có gia phả như cây cần có gốc; nhà không có phả thì dòng họ sẽ dần nhạc phai, lụi tàn.
Gia phả còn gọi là gia bảo vì đó là lịch sử tổ tiên nhiều đời truyền lại của một dòng tộc; là điều tổ tiên luôn trân trọng, muốn gửi gắm lại cho đời sau; chỉ có trên cơ sở ghi chép của đời trước, hướng dẫn đời sau mới có thể kê cứu chép thành gia phả. Gia phả không thể bỗng nhiên do một người tài giỏi làm ra được mà là công trình tập thể của nhiều người, nhiều đời. Gia phả của Tộc Đặng Văn Non Nước có được ngày hôm nay cũng chính là nhờ vào sự dày công sưu tầm nghiên cứu của Hội đồng gia tộc Đặng Văn Non Nước qua các thời kỳ từ năm 1980 đến nay.
Lịch sử dân tộc ta trãi qua bao gian khó thì lịch sử các dòng họ cũng qua bấy nhiêu thăng trầm; chữ viết có muộn, lại trãi qua thời kỳ Bắc thuộc đô hộ lâu dài (hơn 1000 năm) nên gia phả có muộn; hơn nữa trãi qua nhiều năm bị giặc ngoại xâm và chiến tranh tàn phá, thời thuộc Minh (1414-1427) vua Minh nhiều lần ra lệnh tịch thu sách vỡ và phá hủy bia đá của ta nên thư tịch cổ (trong đó có gia phả) lưu giữ được không nhiều; lại có thời kỳ đất nước bị chia cắt, số người đến vùng đất mới định cư nhiều nên các chi, họ phải “bạt quán ly hương” gia phả bị thất lạc chưa chắp nối lại được; có những vùng, các cụ phải để lại lời dặn dưới hình thức phả miệng hoặc sơ đồ tông phái chỉ có 4, 5 – 7 đời cùng họ nhưng không rõ mối quan hệ; tuy nhiên cũng có những dòng họ có điều kiện ghi chép, tục biên thuận lợi nên có những cuốn gia phả công phu, có sắc thái riêng. Thực tế nước ta không ít những trường hợp có người hoặc cả họ đổi sang họ khác do vua ưu ái như thời Lý, Ngô Tuấn, Thái Hòa, Thọ Xương vì có nhiều công lao được nhà vua ban quốc tính (đổi theo họ vua) là Lý Thường Kiệt; thời Lê, Lê Thái Tổ đã phong thưởng cho công thần 227 người đều được ban quốc tính họ vua hay do thời thế thay đổi, (Văn tế ghi: Thời thay thế đổi, đất lật, trời nghiêng) bị trù dập ức hiếp, hãm hại nên phải đổi họ thay tên như con cháu họ Mạc vì sợ nhà Lê trả thù nên phải đổi thành nhiều dòng họ khác nhau hoặc do tình nghĩa sâu nặng mà lấy họ bố, mẹ nuôi như ông tổ của Hồ Quý Ly làm con nuôi nhà Lê Huấn nên đổi thành họ Lê khi Thiếu Đế lên ngôi mới đổi lại thành họ Hồ .v.v…Họ Đặng cũng có một thời thăng trầm trong ghi chép lịch sử nên mới có câu chuyện: ” Họ Đặng trước nguyên là họ Trần” cho rằng năm 1511 do có loạn Trần Tuân nổi lên chống lại triều đình nhà Lê thất bại, vì sợ tru di tam tộc nên Trần Lâm, con út của tiến sĩ Trần Văn Huy trốn về Mạc Xá ( Lương Xá, Chương Mỹ, Hà Tây) đổi thành họ Đặng và họ Đặng bắt đầu từ đó, đó là câu chuyện táo tợn, xuyên tạc lịch sử; câu chuyện đó không thể xóa đi lịch sử hàng nghìn năm của họ Đặng được ghi giữ trong thần phả và sử sách có từ đời Vua Hùng thứ 6 Hùng Duy Vương phong Hầu Long Bảo tại Đình Bích Động ở Vĩnh Bảo, Kiến An, Hải Phòng có thờ 4 anh em người họ Đặng, con của Ngài Đặng Hoàng và bà Trương Thị Hà; hay ở Đình Làng Tháp Dương, ở xã Trung Kênh, huyện Gia Lương, Bắc Ninh có thờ Ngài Đặng Oánh; làng Nghĩa Trang ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên từ thời Vua Hùng thứ 18, có 02 ông Đặng Minh và Đặng Triều có công dẹp loạn được phong Hùng Triều Điện Đô và khi mất được truy phong Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần; tại Làng Yên Sơn, huyện Chương Đức, Lộ Quốc Oai, ngày nay là xã Yên Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Tây có 03 anh em nhà họ Đặng là Thi Sách (chồng Trưng Trắc) nguyên súy Đặng Tiến, Đặng Vũ (dân thời bầy giờ gọi là Đặng Cả, Đặng Hai và Đặng Ba đã cùng Trưng Trắc phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi tướng giặc Tô Định, lập nên triều đình nước Nam vào năm 40 – 43 đầu Công Nguyên v.v…
Điều cốt yếu của gia phả là phải phản ánh trung thực sự hình thành và phát triển của một dòng tộc; không vì công danh, lợi lộc, biến sơ thành thân, biến gần thành xa, hoặc ngược lại làm mếu mó, lệch lạc căn nguyên, cội nguồn dòng tộc. Có thể mừng vì trong họ có người được vinh danh nhưng cũng không thể vì nghèo khổ, bất hạnh mà xa lánh, ruồng bỏ; điều quan trọng bậc nhất là trong gia đình, dòng tộc là phải chia sẽ, đồng cảm, có vui, có phúc cùng hưởng, có họa, có khổ cùng lo, cùng chịu thì dòng họ mới trường tồn, hiển vinh qua năm tháng, theo thời gian.
Cuốn phả đầu tiên của Tộc Đặng Văn Non Nước được lập năm Mậu Tuất – 1838 niên hiệu Vua Minh Mạng thứ 18 do quý ông đời thứ 7, thứ 8 kính cẩn lập nên. Ngày 25 tháng 6 năm 2013 Hội đồng gia tộc Đặng Văn Non Nước lập bia tưởng niệm tôn vinh công đức quý ông đã có công đóng góp lập quyển Gia phả đầu tiên của Tộc Đặng Văn Non Nước vào năm 1838.
Gia phả là gốc để nối truyền, liên tục các chi phái trong cùng dòng họ hết đời này đến đời khác để con cháu hiểu biết rõ về huyết thống, công đức ân trạch của tổ tiên để lại, đức sinh thành của ông bà, cha mẹ, đạo làm người biết lớn, biết nhỏ của tình anh em, biết rõ họ hàng thân thuộc, gần xa, gắn bó ruột thịt.
Gia phả là một công trình văn hóa của một nhà, một họ, là của báu tổ tiên để lại; gia phả trở thành gia bảo khi con cháu biết gìn giữ, trân trọng, tôn quý, nhất là những nét đẹp truyền thống gia đình, gia tộc và trở thành quốc bảo khi con cháu biết phát huy giá trị của văn hóa dòng tộc, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, làng nước hoặc có công lớn ghi danh vào lịch sử dân tộc, làm rạng danh non sông, đất nước./.
Bình luận gần đây