Non nước, Ngũ Hành Sơn, là địa danh gắn liền với Khu du lịch thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm ở phía đông nam thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 8 km. Phía Đông giáp Biển Đông; Phía Tây giáp sông Cổ Cò; Phía Nam và phía Bắc giáp khu dân cư phường Hòa Hải, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là quần thể gồm có 5 ngọn núi: Thủy Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn (gồm có Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn), Thổ Sơn, Mộc Sơn; Nơi đây là sự hội tụ của vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch tâm linh sâu sắc và là điểm đến của du khách trên con đường di sản Miền Trung: Cố Đô Huế – Ngũ Hành Sơn – Phố cổ Hội An và Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn. Ngày 22 tháng 3 năm 1990, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng quốc gia đặc biệt đối với di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là Ngu_hanh_son_toan_canh-2-1024x768.jpg

         Tên gọi núi Non Nước (tức Non Nước sơn) đã có từ lâu đời và đã đi vào ca dao Việt Nam như một tổng kết kinh nghiệm về thời tiết của người dân địa phương:
         Chiều chiều mây phủ Sơn Trà,
         Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa.

         Tên Ngũ Hành Sơn xuất hiện muộn hơn, và đã được Lê Quang Định nói đến trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806): “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước.
         Trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Non Nước Ngũ hành Sơn là “căn cứ lõm” của Cách mạng, các chùa chiền, hang động ở đây từng là nơi đi lại, hoạt động các sĩ phu yêu nước chống Pháp trong phong trào Cần Vương từ những năm 1885, hoạt động bí mật hoặc là công khai hợp pháp của các nhà hoạt động Cách mạng, đặc biệt tháng 6 năm 1968 trong trận Đại náo Ngũ Hành Sơn của anh hùng Phan Hành Sơn. Ngày 23 tháng 11 năm 1969 Lực lượng vũ trang của nhân dân Hòa Hải đã được Hội đồng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng chống Mỹ cứu nước.

         Ngài Thủy Tổ Đặng Văn Cẩn, sinh ngày 20 tháng 10 năm Kỷ Mão (1519), quê ở thôn Trung Lữ Vạn, xã Bạch Đường, huyện Nam Đường, phủ Anh Đô, trấn Nghệ An; cùng các dòng họ thiên di phát triển vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ phương Nam những năm 1558-1570 để khai phá vùng đất mới; Năm 20 tuổi Ngài gia nhập vào Đoàn quân Thủy chiến, giữ chức Tiền trận Sách hữu Thị vệ của Nhà Lê đi đánh nhà Mạc; Ngài dừng chân lập nghiệp tại vùng đất địa linh Núi Non Nước, nơi sơn thủy hữu tình, danh lam thắng cảnh, có núi, sông, có đồng, có biển. Ngài làm ăn sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông Trường Giang ngày xưa (nay là Sông Cổ Cò) và khai sinh ra Tộc Đặng Văn Non Nước, đến nay đã hơn 400 năm, hậu duệ của Ngài có 15 đời; gồm có 02 Phái, 09 Chi; Sơ Tiên Tổ Đời thứ 01 là Ngài Đặng Văn Cẩn và Ngài là hậu duệ đời thứ 16 của Ngài Thượng thái Tiền thủy tổ Đặng Phúc Mãn, quê ở làng Mạc Xá (Lương Xá), huyện Chương Đức (Chương Mỹ), Hà Tây; là con thứ 7 của Ngài Thượng tướng quân Hải nhân hầu Đặng Nộn, ở thôn Trung Lữ Vạn, nay là xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; là thứ 2 của Ngài Đại Quốc Công Đặng Tất, là Hàn lâm viện Đặng Chủng thuộc dòng Họ Đặng Việt Nam.
Ngài cùng tổ tỷ phu nhân hiệu Từ Tâm sinh hạ 03 trai, 01 gái:
         Một là Ngài tiên tổ Đặng Văn Bàn, có sinh hạ, nay là Phái Nhất;
         Hai là Ngài tiên tổ Đặng Văn Danh, có sinh hạ, nay là Phái Nhì;
         Ba là Ngài tổ cô Đặng Thị Hiệu, vô tự
         Bốn là Ngài tiên tổ Đặng Văn Cát, thất truyền
         Ngài thủy tổ Đặng Văn Cẩn mất vào ngày 12 tháng 6 âm lịch
         Theo truyền lại phần mộ của Ngài ở La Tài bị trận lụt rất lớn, một phần hai làng Quy Mỹ còn gọi là Môn La Tài sụt lỡ trôi về Sông Hàn, từ đó mộ Ngài không còn nữa. Ngày 17/3 năm Quý Mùi, (tức ngày 18/4/2003) Hội đồng gia tộc Đặng Văn Non Nước tổ chức Lễ chiêu hồn luyện cốt “Cung nghinh Kim thân” Ngài lên tháp mộ để thờ.

         Người con thứ nhất là Ngài Đặng Văn Bàn, thuộc Phái Nhất cùng tiên Tổ tỷ phu nhân, sinh hạ được 01 con trai là Đăng Văn Lịch, giỗ ngày 26 tháng 6 âm lịch, mộ Ngài và mộ Bà ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; Ngài Đặng Văn Lịch, cùng tổ tỷ phu nhân, sinh hạ được 02 trai là tiên tổ Đặng Văn Quảng, vô tự; Ngài tiên tổ Đặng Văn Y cùng với tổ tỷ phu nhân Nguyễn Thị Thứ có sinh hạ được 03 trai là Ngài tổ Đặng Văn Nhẩn, nay là Chi Nhất, Phái Nhất, ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; Ngài Đặng Văn Ký, nay là Chi Nhì, Phái Nhất ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng và Ngài Đặng Văn Câu, nay là Chi Ba, Phái Nhất tại Cẩm Chánh, La Châu.

        Người con thứ hai của Ngài Thủy tổ Đặng Văn Cẩn là Đặng Văn Danh, thuộc Phái Nhì cùng tổ tỷ phu nhân sinh hạ được 02 con trai là Ngài Đặng Văn Yên, nay là Chi Nhất, Phái NhìNgài Đặng Văn An, nay là Chi Nhì, Phái Nhì.
        Ngài Đặng Văn Yên, Phái Nhì, Chi Nhất cùng tổ tỷ phu nhân, sinh hạ được 01 người con trai là Đặng Văn Phận cùng tổ tỷ phu nhân sinh hạ được 07 con trai là Ngài Đặng Văn Mộ, Ngài Đặng Văn Nhỏ, Ngài Đặng Văn Sử, Đặng Văn Thuận, Ngài Đặng Văn Phước, Ngài Đặng Văn Hội, Ngài Đặng Văn Được

        Ngài Đặng Văn An, thuộc Phái Nhì, Chi Nhì cùng tổ tỷ phu nhân sinh hạ được 01 con trai là Đặng Văn Sự cùng tổ tỷ phu nhân sinh hạ được 06 trai, 02 giái là Ngài quý nương Đặng Thị Đoan, Ngài Đặng Văn Thơ, Ngài Đặng Văn Bình, Ngài Đặng Văn Cự, Ngài Đặng Văn Phú, Ngài quý nương Đặng Thị Còn, Ngài Đặng Văn Đại, Ngài Đặng Văn Chút.

        Người con trai của Ngài Đặng Văn Phận, thuộc Phái Nhì Chi Nhất là Ngài Đặng Văn Mộ cùng tổ tỷ phu nhân là Nguyễn Từ Tâm, sinh hạ 03 người con trai là Ngài Đặng Văn Kháng, Ngài Đặng Văn An, Ngài Đặng Văn Liễu. Ngài Đặng văn Kháng cùng tổ tỷ phu nhân sinh hạ được 03 người con là Ngài Đặng Văn Trường, Ngài Đặng Văn Hy và Ngài Đặng Văn Bành. Ngài Đặng Văn Trường cùng tổ tỷ phu nhân là Trần Thị Tỷ sinh hạ được 03 gái, 04 trai là Ngài quý nương Đặng Thị Hề, Ngài Đặng Văn Huống, nay là Nhánh Nhất, Chi Nhất, Phái Nhì, Ngài quý nương Đặng Thị Ai, Ngài Đặng Tánh (tức Đặng Văn Doi), nay là Nhánh Nhì, Chi Nhất, Phái Nhì, ở xứ Hoàng Hậu, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng; Ngài Đặng Văn Mặn, Quý nương Đặng Thị Giả, Đặng Thị Thêm

         Nhà thờ Tộc Đặng Văn Non Nước hiện có 02 nhà thờ:
         Một là Nhà thờ cổ ở chân Núi Nam Hỏa Sơn, Khối Sơn Thủy, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; Nhà thờ cổ của Tộc Đặng Văn Non Nước cũng là địa điểm hoạt động của các chiến sĩ cách mạng từ năm 1951 đến 1970 ngôi nhà thờ được Khu Sông Đà đặt cơ sở Cách mạng là nơi ẩn trú của cán bộ, bộ đội chủ lực, du kích đồng thời cũng là nơi cất giữ khí tài, lương thực để phục vụ chiến đấu đánh địch qua 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước và ngày 30 tháng 8 năm 2006 đã được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.


 Nhà thờ cổ ở Núi Nam Hỏa Sơn

          Hai là Nhà thờ ở Khối Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An (trước đây) nay là phường Khuê Mỹ, quận Ngũ hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

 

  Nhà thờ phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn

          Con cháu Phái, Chi họ Tộc Đặng Non Nước luôn ghi nhớ và cố gắng gìn giữ nét đẹp truyền thống của ngày lễ dâng hương trước Nhà thờ tộc,  xem đây là nét văn hóa của phong tục thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nét đẹp ấy cùng văn hóa làng xã sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần nuôi dưỡng, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa lành mạnh, tốt đẹp của cả dân tộc.

          Tôn trọng, bảo tồn và vun đắp giá trị truyền thống,  nguồn gốc của mỗi gia đình, gia tộc là trách nhiệm của mỗi con, cháu, dâu, rễ Tộc Đặng với những người đã chết, đang sống và cả với thế hệ mai sau./.